Dù đã nhanh chân tìm được phương án đối phó dịch Covid-19 và sản phẩm làm ra bán rất tốt, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì những ngành hàng mới đó vẫn không thể giúp những doanh nghiệp SMEs như Miti hay Huế Smile bù đắp được doanh thu mà họ đã mất vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời điểm 'đặc biệt' như thế này, thêm được chút nào hay chút đó!
CEO Miti - Nguyễn Trí Kiên (ngoài cùng bên phải) đang gặp đối tác của sản phẩm mới là khẩu trang kháng khuẩn.
Các doanh nghiệp ngành F&B đang than khóc giữa mùa dịch khi nhiều người quyết tâm ‘cố thủ’ ở nhà, cắt giảm chi tiêu ăn uống bên ngoài. Nhưng nhóm ngành hàng này vẫn còn lựa chọn đóng cửa offline chuyển lên phục vụ online, phần nào có thể xoay sở được, bởi có dịch bệnh thì con người ta vẫn phải ăn – uống. Tuy nhiên, có những ngành hàng, dù bán online hay tìm nhiều cách kích cầu, cũng không thể cải thiện tình hình. Thế nên, nhiều doanh nghiệp thường hay chọn một lối đi khác: đó chính là mở là một mảng/ngành hàng mới, ví dụ như Miti, Lifebouy, Huế Smile hay nhà hàng Khoái.
Trong mùa dịch Covid-19, khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn trở thành 2 mặt hàng luôn trong tình trạng ‘cháy hàng’. Thế nên, sản xuất và phân phối khẩu trang hay nước rửa tay kháng khuẩn, được xem là những mặt hàng kinh doanh béo bở trong mùa dịch này. Với nền tảng là công ty về sản xuất vali – túi xách cùng gốc gác bác sỹ của CEO Nguyễn Trí Kiên, Miti tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội này. Ông Kiên vốn là Thạc sỹ của trường Đại học Y dược TP. HCM.
Từ đầu mùa dịch, Miti đã bắt tay vào nghiên cứu để chế tạo khẩu trang kháng khuẩn và mới vừa ra mắt thành phẩm trong thời gian gần đây. "Khẩu trang của chúng tôi gồm 3 lớp vải, lớp bên ngoài là vải kate không co giãn, được phủ một lớp tinh thể muối được hấp ở nhiệt độ 250 độ C, 2 lớp bên trong là vải thun cotton được hấp tinh dầu tràm. Khẩu trang của chúng tôi hiệu quả nhất trong 3 ngày sử dụng, sau đó giặt và sử dụng lại như khẩu trang bình thường.
Tôi có thể tự tin khẳng định, khẩu trang của bác sỹ Kiên là số 1 thị trường về hiệu quả phòng chống virus, nhiều loại khẩu trang quảng cáo là kháng khuẩn thì chỉ kháng vi khuẩn thường, không kháng virus, đây là điều mà nhiều người tiêu dùng đang hiểu nhầm", CEO Miti cho hay.
Ông Nguyễn Trí Kiên còn cho biết, ông đã đầu tư nhà máy mới hiện đại để sản xuất khẩu trang và dù mới chỉ rao bán ở trên Facebook cá nhân cùng Fanpage của Miti, nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Tuy nhiên, doanh thu mà mảng sản xuất khẩu trang này mang lại vẫn chưa thấm gì với những tổn thất mà Miti phải chịu do dịch Covid-19. "Hiện tại, cả hệ thống bán lẻ đang tê liệt do chi phí vận hành cao mà không có khách hàng. Miti cũng đã đóng bớt một số cửa hàng", ông Nguyễn Trí Kiên tiết lộ.
Ngay cả những doanh nghiệp vừa như Miti còn biết chớp thời cơ, tất nhiên doanh nghiệp lớn như Unilever với nhãn Lifebouy càng tận dụng triệt để giai đoạn này. Thật ra, nhãn hàng này đã có nhiều sản phẩm rửa tay diệt khuẩn như xà bông cục và nước rửa tay, nhưng rõ ràng chúng không tiện lợi như gel rửa tay khô. Bởi, người ta có thể sử dụng gel rửa tay khô mọi lúc mọi nơi, trong khi muốn dùng xà bông thì phải có nước.
Cũng như Miti, do phải trải qua nhiều quy trình khác nhau trước khi giới thiệu một sản phẩm mới, Lifebouy cũng mới ra mắt gel rửa tay khô ở giữa tháng 3 vừa qua. Nhờ sẵn thương hiệu lớn cùng nhu cầu cao của thị trường, sản phẩm mới này của họ đã nhanh chóng hết hàng.
Rồi chỉ sau vài ngày ra mắt, trên Fanpage của Lifebouy cho biết: gel khô rửa tay của họ đã tạm hết hàng trên các kênh online như Tiki, Lazada, Shopee và doanh nghiệp đang cố gắng bổ sung thêm hàng trong thời gian sớm nhất có thể. Trong thời gian này, mọi người có thể vào mua tại các hệ thống siêu thị. Thậm chí có những ngày, mới ‘châm hàng’ lên Tiki buổi sáng, thì nửa ngày đã hết hàng. Thế nên, mùa dịch Covid-19, có thể nói Lifebouy là một trong những nhãn hàng thắng lớn nhất ở thị trường Việt Nam.
Ở diễn biến khác, do đặc thù ngành, nên dù đã tìm mọi cách vùng vẫy trong đại dịch, kết quả mà Huế Smile nhận lại chẳng mấy khả quan.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – CEO của Huế Smile - ảnh cắt trên clip tại website Huế Smile.
Ngày 11/3/2010, trên Facebook của Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – CEO của Huế Smile có thông báo chính thức bán thêm đặc sản cố đô Huế, như các loại bánh lọc, nậm, ram, ít. Cụ thể, các loại bánh sống nói trên sẽ được cấp đông, đóng gói hút chân không và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Việc bán hàng sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Cũng chỉ 2 ngày sau đó, vị nữ doanh nhân này đã thực hiện 1 clip và đăng lên website của Huế Smile, đơn vị lữ hành này sẽ tạm ngưng đón khách và nghỉ ngơi một thời gian, cho đến lúc đại dịch Covid được kiểm soát.
"Huế Smile sẽ tạm ngừng đón khách nhưng vẫn tiếp tục làm marketing. Chúng tôi cũng giảm lương cơ bản của nhân viên, hướng dẫn nhân viên làm việc ở nhà. Doanh nghiệp sẽ dành phần tích luỹ để trả lương nhân viên. Về khách hàng, Huế Smile mạnh dạng đề nghị khách hàng hãy tạm hoãn các chuyến du lịch vì an toàn là trên hết.
Ngoài ra, Huế Smile cũng mở ra 1 dịch vụ mới: kinh doanh đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm giúp nhân viên có thêm thu nhập và quảng bá ẩm thực Huế đến với khách hàng", chị Ngọc Quỳnh bày tỏ trong clip.
Cũng theo chị, dù biết dự án bán đặc sản Huế sẽ rất khó khăn nhưng đây là một kế hoạch dài hơi, rút kinh nghiệm từ những gì mà Huế Smile phải gánh chịu khi đại dịch Covid-19 kéo đến. Theo chị, rõ ràng chúng ta không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’ và Huế Smile đã không có phương án dự phòng khi khó khăn kéo đến. Ngành hàng mới này sẽ là phương án phòng tránh cho công ty sau này nếu lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc lần nữa.
"Đối mặt với khó khăn chúng ta cần phải tìm cách xoay sở, đừng sĩ diện hão", chị Ngọc Quỳnh chia sẻ thấm thía.
Dù Huế Smile đã có 9 năm tuổi, nhưng như nhiều doanh nghiệp SMEs khác trong ngành du lịch, họ cũng không thể nào chống chọi một cách trực diện của Covid-19 trong thời gian dài, mà chọn cách về 'ngủ đông' hay còn gọi là 'ở ẩn' đợi đại dịch đi qua.
Nhà hàng Khoái có thể bán thêm những sản phẩm tốt cho sức đề kháng của cơ thể như thế này trong tương lai.
Mở rộng kinh doanh sản phẩm mới cũng là một trong những chiến lược kinh doanh mà chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Founder nhà hàng Khoái, đề cập đến trong một bài đăng trên Facebook về việc 'doanh nghiệp làm gì trong mùa dịch'.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi chỉnh sửa một số sản phẩm phù hợp hơn với hoàn cảnh như ra sản phẩm mới có thể delivery (bún giao đi), cho ra các sản phẩm phụ phù hợp trong mùa dịch ví dụ thực phẩm giúp tăng đề kháng, bảo vệ sức khoẻ (mật ong rừng ngâm tỏi cô đơn chẳng hạn).
Chúng tôi cũng không lơ là trong chuyện chuẩn bị nội lực để sẵn sàng khi hết dịch thì tăng tốc để thu về doanh thu tối đa nhất. Giai đoạn này chúng tôi thực hiện nghiên cứu sản phẩm mới, củng cố lại quy trình phục vụ cho tốt hơn, đào tạo nhân sự, phỏng vấn sâu khách hàng để hiểu insight khách hàng từ đó có chiến lược tái định vị hoặc thay đổi chiến lược truyền thông khi qua mùa dịch
Chưa biết rằng chúng tôi sẽ tồn tại tới đâu và vượt qua khủng hoảng này như thế nào vì diễn biến dịch Covid - 19 phức tạp khó đoán. Nhưng tại thời điểm này chúng tôi làm hết sức mình bằng sự tỉnh táo và niềm tin mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường. Những chia sẻ này tôi không cho rằng là đúng với tất cả mọi người, nhưng đâu đó tôi nghĩ sẽ giúp các anh chị có ý niệm để vạch ra những phương thức cho riêng mình. Chúc mọi người sức khoẻ, bình an và sớm vượt qua khủng hoảng"