Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 3-8, Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính VN (Vafi) khẳng định việc MobiFone từ chối công bố thông tin về thương vụ mua lại AVG là phạm luật do MobiFone là DN nhà nước, không phải DN gia đình hay DN tư nhân, mọi hoạt động của MobiFone cần phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội...
MobiFone là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước nhưng khi mua lại Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thì thương vụ này lại... bí mật.
Trao đổi với chúng tôi, xung quanh việc MobiFone mua lại Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu ( AVG ), nhiều chuyên gia cho rằng thương vụ này phải được công khai rộng rãi trong dư luận bởi MobiFone là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước .
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết theo quy định về công bố thông tin của DN nhà nước tại nghị định 81 năm 2015, DN nhà nước phải công bố thông tin nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của DN, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với DN nhà nước.
Theo đó, DN nhà nước phải công bố những thông tin như chiến lược phát triển của DN, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm năm của DN... “Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác và kịp thời” - vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, chỉ có trường hợp đặc biệt DN được quyền không công bố thông tin là đối với các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh.
DN được quyền bí mật thông tin khi vụ đầu tư đó chưa hoàn tất, vẫn đang còn tồn tại những vấn đề như xử lý với chủ nợ...
Tuy nhiên DN nhà nước phải báo cáo, giải trình với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là bộ chủ quản, UBND tỉnh lý do tại sao không công khai.
“Trách nhiệm của DN nhà nước là sẽ phải báo cáo đầy đủ với bộ, ngành chủ quản và nếu được sự chấp thuận, DN mới được quyền cho là mật, nhưng sau một thời hạn nhất định cũng phải công bố” - vị này khẳng định.
Liên quan đến việc đầu tư ra ngoài của DN nhà nước, theo vị này, nghị định 99 năm 2012 cũng nêu rõ chủ sở hữu nhà nước là bộ chủ quản, cụ thể người đứng đầu, tức là bộ trưởng, sẽ chịu trách nhiệm với việc đầu tư của DN nhà nước bởi bộ chủ quản được Chính phủ giao quản lý vốn liếng của Nhà nước.
“Nếu DN nhà nước làm ăn gây thất thoát, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Ngay cả việc lùm xùm vừa rồi ở Sabeco liên quan đến bổ nhiệm nhân sự, bộ trưởng Bộ Công thương cũng phải là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc này” - vị này cho biết.
Quảng cáo MobiTV trên trang web anvientv.net
Trong khi đó, trao đổi vớii chúng tôi về quyết định đầu tư dự án này của MobiFone, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Tặng cho biết điều lệ của DN sẽ phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư.
Theo đó, vốn đầu tư chiếm bao nhiêu phần trăm vốn chủ sở hữu sẽ do chủ tịch hội đồng thành viên quyết định, bao nhiêu thì phải thông qua hội đồng thành viên, bao nhiêu thì phải báo cáo chủ sở hữu... “Nếu mua theo giá thị trường, DN có thể mua trên thị trường chứng khoán, hoặc nếu mua bán thỏa thuận thì phải thuê tổ chức tư vấn định giá để quyết định mức đầu tư” - ông Tặng nói.
Do đó, ông Tặng cho rằng cơ quan chức năng cần phải đánh giá số tiền mà MobiFone bỏ ra mua AVG có đúng giá trị thật, quy trình mua và định giá có xảy ra thất thoát...
Thực tế, theo ông Tặng, việc định giá khoản đầu tư của DN nhà nước có rất nhiều chuyện dù thực hiện theo đúng thủ tục, đúng quy trình.
“Nhiều thương vụ đầu tư của DN nhà nước cho thấy có việc kê giá rất nhiều so với giá trị thật. Điển hình là vụ tàu Hoa Sen mà Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) đầu tư. DN này đã bỏ ra 63 triệu euro mua tàu cũ và chỉ chạy được hơn 30 chuyến thì bị thủng và phải nằm đắp chiếu, gây thiệt hại gần 470 tỉ đồng” - ông Tặng dẫn chứng.
Cũng theo ông Tặng, quy định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN khá đầy đủ và chặt chẽ, nhưng thất thoát vốn có thể do có sự thỏa thuận ngầm để ăn chia. Trong khi đó, việc ngăn chặn thỏa thuận ngầm ở VN rất khó thực hiện được.
“VN vẫn chưa kiểm soát được nguồn thu nhập của lãnh đạo DN nhà nước cũng như nền kinh tế ngầm, nên việc ăn chia trong dự án đầu tư vẫn thường xảy ra, việc phát hiện và xử lý rất khó. Nhiều vụ sai phạm được đưa ra tòa nhưng khoản vốn nhà nước thu hồi được rất ít so với mức thất thoát” - ông Tặng nhận định.
Hơn nữa, AVG là công ty 100% vốn tư nhân, các ngành nghề kinh doanh không ảnh hưởng an ninh hay bí mật quốc gia, do đó thương vụ MobiFone mua lại AVG không thuộc diện miễn công bố thông tin.
Cũng theo Vafi, thương vụ mua lại AVG là một hoạt động đầu tư lớn của MobiFone nhằm mở ra một ngành kinh doanh mới và theo quy định tại Luật DN năm 2014, MobiFone phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và công bố công khai các thông tin bất thường. C.V.Kình
* TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):
Nhiều bất thường cần làm rõ
Quyết định thanh tra toàn diện của Chính phủ liên quan đến việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG phải làm sáng tỏ được giá trị chuyển nhượng, số tiền này có hợp lý, nếu bất thường thì ai chịu trách nhiệm? Vì đây là thương vụ sử dụng số tiền của dân.
Theo tôi, thương vụ này có nhiều bất thường vì tính không minh bạch, giá trị thương vụ không được đề cập khi công bố thông tin, tạo ra những nghi ngờ đối với người quan tâm. Hơn nữa, MobiFone đã đại diện phần vốn nhà nước, dùng nguồn lực của Nhà nước để đầu tư mà phương thức định giá, giá trị thương hiệu thế nào vẫn không được công khai.
Gần đây, Chính phủ luôn đòi hỏi phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong các hoạt động đầu tư của DN nhà nước, nhưng qua phi vụ mua bán này chúng ta lại không thấy được điều đó. Đáng ra việc mua AVG phải được kiểm định giá, phê duyệt và công khai rõ ràng. Do đó việc thanh tra phải làm rõ những khuất tất này.
MobiFone đang nằm trong danh sách DN nhà nước phải cổ phần hóa, nhưng DN này luôn trì hoãn vì những lý do thiếu thuyết phục để rồi bây giờ dấy lên những nghi ngại thất thoát tài sản vì đầu tư ra bên ngoài. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta ngăn chặn được các kiểu giao dịch từ đầu chứ đừng để một kết cục đã rồi, Chính phủ mới vào cuộc.
N.BÌNH ghi
Theo Lê Thanh / Tuổi trẻ