Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương giãn cách xã hội, thay vì gặp gỡ, xem nhà, đất trực tiếp rồi giao dịch, hiện việc mua bán được tiến hành theo phương thức online.
Bất động sản vào cuộc đua bán hàng online
N.L là nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản chuyên bán đất nền phân lô ở Hòa Lạc và Ba Vì (Hà Nội). Trước đây, L. thường gặp gỡ khách hàng trực tiếp, dẫn đi xem đất, tư vấn những thắc mắc của khách. Nếu khách ưng thì sẽ xuống tiền cọc, sau đó ký hợp đồng.
Trong 3 đợt dịch Covid-19 đầu, phương thức giao dịch truyền thống bị ảnh hưởng nhưng vẫn khắc phục được. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 phức tạp, Hà Nội giãn cách xã hội thời gian dài, người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết nên L. không thể gặp gỡ khách.
Để thích ứng với mùa dịch, công ty của L. đã triển khai phương thức bán online. Mỗi môi giới sẽ được cung cấp công cụ bán hàng là link tài liệu phối cảnh 3D dự án quay bằng flycam.
Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành, việc mua bán bất động sản cũng tiến hành online và có xu hướng tăng (Ảnh minh họa).
"Khách truy cập vào link sẽ xem được toàn cảnh dự án, phạm vi trong khoảng 5 km. Cách này cũng giống như mình xem trên Google map dạng vệ tinh nhưng hình ảnh chi tiết rõ ràng từng liên kết vùng. Trong link đó có ghim từng vị trí và có hình ảnh sổ đỏ kèm theo để khách kiểm tra được luôn", L. cho biết.
Sau khi triển khai, phương thức bán online mang lại hiệu quả tốt. Hiện 90% bảng hàng của công ty đã được khách chốt. Riêng L. cũng chốt thành công 2 lô, khách đã xuống tiền cọc mỗi lô 100 triệu đồng. "Khách vào cọc nhưng chưa hề xem thực tế, chỉ xem phối cảnh, kiểm tra thông tin sổ đỏ thấy ổn là cọc luôn", L. thông tin.
Theo nhân viên này, khách vào cọc nhanh là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đã am hiểu thị trường. Còn những khách mới tham gia đầu tư hoặc đang tìm hiểu thì họ thường do dự vì tâm lý mua bán giao dịch bất động sản phải mắt thấy tai nghe, bán online thiếu độ tin tưởng. Một số người còn có tâm lý sợ bị lừa đảo. Với những vị khách này, môi giới vẫn chăm sóc, tư vấn cho họ và mời dự án sau, khi đã hết giãn cách xã hội.
L. nhận định, bán bất động sản online có ưu điểm nhanh gọn, tiết kiệm được cả thời gian cho người mua và người bán. Tuy nhiên, dù bán online hay offline, hiệu quả đều phụ thuộc vào uy tín của chủ đầu tư và tiềm năng của sản phẩm.
Đàm phán, đặt cọc online, môi giới làm chứng
Anh Q., môi giới nhà thổ cư ở Hà Nội cho biết, giãn cách do dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến công việc của anh, chuyển hướng sang giao dịch online chỉ là giải pháp tạm thời do đặc thù của lĩnh vực môi giới nhà thổ cư. Bán hàng dự án chuyển sang online sẽ thuận lợi, bởi khách hàng có thể xem qua phối cảnh, cùng nhiều thông tin liên quan khác mà chủ đầu tư cung cấp. Trong khi đó, bán nhà thổ cư sẽ không có những lợi thế như trên.
Theo anh Q., trong đợt giãn cách, giao dịch nhà thổ cư online chỉ phù hợp với những khách rất "nhiệt". Tức là, trước đó khách đã có thời gian đi xem nhiều ngôi nhà khác, có sự so sánh về ưu nhược điểm, nắm bắt về giá cả. Hiện họ rất thiện chí muốn mua nhà vì giá thời điểm này hợp lý nhưng vướng dịch nên không thể giao dịch trực tiếp. Khi đó, những môi giới như anh Q. sẽ lập một nhóm chat trên facebook gồm chủ nhà, môi giới, khách mua để đàm phán, trao đổi. Sau khi thống nhất, khách tiến hành đặt cọc online, môi giới chính là bên thứ 3 làm chứng cho hợp đồng đặt cọc đó. Hết giãn cách, chủ nhà và người mua sẽ gặp mặt trực tiếp để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Còn với những khách không "nhiệt", họ thường chọn cách đợi hết giãn cách rồi đến tận nơi xem xét kỹ càng. Anh Q. có một vị khách hỏi một căn nhà ở Cầu Giấy giá 3 tỷ đồng. Hai bên hẹn nhau qua đợt giãn cách giữa tháng 8 sẽ đi xem. Thế nhưng, Hà Nội tiếp tục giãn cách thêm nên anh Q. chưa thể dẫn khách đi xem nhà. Mới đây, anh nghe tin, căn nhà đó đã được môi giới của một công ty bất động sản khác "chốt online" thành công.
Anh Q. cho biết thêm, việc đặt cọc online cũng chưa thể đảm bảo 100% giao dịch sẽ thành công. Một số đồng nghiệp của anh đã rơi vào tình huống khách chấp nhận bỏ cọc.
Lý do là bởi "mua bán phải liền tay", trong khi giãn cách lâu, khách đặt cọc xong cũng chưa biết phải đợi đến khi nào mới có thể gặp mặt giao dịch. Trong thời gian chờ đợi, họ lại suy nghĩ về ưu - nhược điểm của căn nhà đó, rảnh rỗi thì tìm hiểu thêm các căn khác hoặc nghe môi giới khác tư vấn. Nếu tìm được căn khác mà họ thấy vị trí đẹp hơn, giá cả "hời" hơn, họ sẵn sàng bỏ cọc căn trước. Như vậy, bao nhiêu công sức của môi giới bỏ ra để tư vấn, chăm sóc, đến bước đặt cọc đã gần được hái "trái ngọt" thì lại bị "lật kèo".
Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, giãn cách xã hội do Covid-19 phần nào khiến khách hàng có sự thay đổi trong thói quen mua nhà đất, từ phương thức trực tiếp tiếp cận với phương thức trực tuyến. Trong tương lai, mua bán bất động sản online sẽ là một kênh tồn tại song song với phương thức truyền thống. Doanh nghiệp nào, môi giới nào tận dụng tốt cả hai hình thức sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.
Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) quý II, Bộ Xây dựng cho biết, dù dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước tuy nhiên các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng nhận định trước khó khăn bởi Covid-19 thị trường BĐS Việt Nam đã có những bước thích nghi rất tốt. Theo thống kê của kênh này, mức độ quan tâm, lượt hỏi mua trong quý II vừa qua tăng 54%; dự án mới đăng ký tăng 66 dự án, lượt tin đăng tăng 8%, cùng với đó các chủ đầu tư cũng thay đổi hình thức mở bán online có xu hướng tăng. |