Số liệu thống kê gần đây cho thấy lượng khách truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng người truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ thông tin về tăng trưởng TMĐT của thị trường Việt Nam hàng năm tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng
Thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), chia sẻ thông tin trên tại hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng" vào ngày 10-11.
Sự kiện diễn ra ở TPHCM này do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và VECOM tổ chức.
Theo ông Dũng, mô hình kinh doanh trực tuyến đã đem lại những thay đổi lớn, đặc biệt hình thức này còn mang ý nghĩa lớn hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Đại diện VECOM cho rằng các quy định về phòng chống Covid-19, bao gồm cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc đã phần nào thúc đẩy người tiêu dùng dần quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến. Cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp thực hiện bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới.
Hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn. Mô hình kinh doanh trực tuyến đã đem lại những thay đổi lớn và có ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
Mặc dù lượng truy cập tăng và đơn hàng chốt nhiều hơn nhưng giá trị giao dịch theo ông Dũng và các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử từ nhiều tháng qua bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều người tiêu dùng đã thắc chặt mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn, tập trung nhiều vào các mặt hàng thiếu yếu.
Mặt khác, theo Phó chủ tịch VECOM, trong thời gian qua một số hàng hóa nhập khẩu không về được nên các sàn không có nhiều hàng hóa để bán.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn kinh doanh qua sàn TMĐT được xem là có nhiều triển vọng với nhiều doanh nghiệp và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Các diễn giả cho rằng thương mại điện tử đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi giúp doanh nghiệp kết nối với đa dạng khách hàng, đối tác, tăng doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng một cách đáng kể.
Những thông tin được cập nhật liên tục cùng việc áp dụng công nghệ hiện đại từ các sàn cho phép các giao dịch giữa nhà cung cấp đến sàn, từ sàn đến người tiêu dùng được đảm bảo hơn, không tạo nên sự khác biệt quá nhiều về chất lượng, số lượng hàng hóa so với giao dịch truyền thống.
Tuy vậy, với tư cách nhà cung cấp và đại diện sàn, các diễn giả cũng nhận định rằng mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng việc xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp – sàn giao dịch – người tiêu dùng vẫn không thể tránh khỏi.
Mặc dù các sàn đều xây dựng bộ phận chăm sóc, giải quyết khiếu nại nhưng phương án này chưa thực sự triệt để, nhất là khi cách thức này chỉ có hiệu quả và khả dụng đối với các tranh chấp, mâu thuẫn không quá phức tạp.
Cơ hội bán hàng trên sàn TMĐT đối với các doanh nghiệp hiện nay còn rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng
Thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp
Các diễn giả cho rằng, để TMĐT phát triển đúng hướng, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn, đặc biệt việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp trong quá trình giao dịch cũng là yếu tố cần được chú trọng.
Từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, luật sư điều hành Công ty Luật LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), cũng đã đưa ra những đánh giá vấn đề giao dịch giữa nhà cung cấp/ người bán đối với các sàn thương mại điện tử.
Khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hầu hết các sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp/ người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; từ đó gây ra việc nhà cung cấp không xem trọng các nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.
Thực tế trong hệ thống pháp luật có những điều luật điều chỉnh về việc xử phạt các hành vi cung cấp thông tin hoặc buôn bán hàng giả, tuy nhiên theo luật sư lại chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn là chính xác, đầy đủ.
Với sự phát triển của thương mại điện tử và các giao dịch trên mạng lưới trực tuyến ngày càng khó kiểm soát, bà cho rằng nhà nước buộc phải nhanh chóng thiết lập hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong môi trường điện tử.
Ngoài ra, Luật sư cũng cung cấp thêm các thông tin về dự thảo điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Nổi bật là các quy định đối với tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước cũng như quản lý việc hoạt động, giao dịch của các đối tượng này trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức cũng đồng thời tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa ITPC và VECOM; VIAC và VECOM. Thông qua thỏa thuận hợp tác này, các bên sẽ chung tay đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và tránh các rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.