9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng và quy mô so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng kinh doanh trong quý IV. Với những tín hiệu trên, Tổng cục Thống kê cho rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào môi trường đầu tư, kinh doanh những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 49,5% về vốn
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 9 tháng đầu năm, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay là 928,7 nghìn người, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài số doanh nghiệp thành lập mới, 9 tháng đầu năm còn ghi nhận 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau một thời gian tạm ngừng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay là 45.097 doanh nghiệp, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm 16.294 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 31,0% và 28.803 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 18,1%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 9 tháng là 8.365 doanh nghiệp, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 7.812 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,3% và tăng 20,0%.
Về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đây là hiện tượng tất yếu của nền kinh tế, có doanh nghiệp đăng ký mới thì ắt phải có doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Cũng theo ông Lâm, so với nhiều quốc gia trên thế giới, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tại Việt Nam còn thấp. Điển hình như tại Vương quốc Anh, số liệu năm 2016 cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới hơn 67% tạm ngừng hoạt động, phá sản. Tại New Zealand năm 2015, con số này cũng lên tới khoảng 90%.
Môi trường kinh doanh quý IV tốt hơn quý III
Tổng cục Thống kê mới đây cũng công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2016. Theo đó, có 80,3 doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước, trong khi đó chỉ có 19,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình còn khó khăn.
Dự báo trong quý IV, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khả quan hơn quý III, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 85,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất ổn định và tốt hơn, chỉ có 14,4% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ khó khăn hơn.
Với tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhận định, môi trường kinh doanh đang dần tốt lên, tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực phục vụ. Ngoài ra, Chính phủ cần có thêm những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất.
Nguyễn Hòa / baocongthuong