Dù có sự tăng thứ bậc lớn nhưng Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 82/190 trong các nước 82/190 nước và vùng lãnh thổ được thống kê.
Năm 2016 vừa qua, môi trường kinh danh là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới năm 2016 về môi trường kinh doanh, Việt Nam đã tăng được 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh so với lần thống kê gần nhất.
Đây cũng chính là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất của Việt Nam kể từ năm 2008. Kết quả này thực sự đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, các ngành và địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, dù có sự tăng thứ bậc lớn nhưng Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 82/190 trong các nước 82/190 nước và vùng lãnh thổ được thống kê. Nhìn một cách thực tế nhiều tiêu chí xếp hạng của Việt Nam là còn khá thấp, cụ thể như: Khởi sự kinh doanh (xếp thứ 121), Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (xếp thứ 167), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (xếp thứ 125).
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 diễn ra vào chiều Thứ Sáu tuần trước, vấn đề này đã tiếp tục được đặt ra bởi các phóng viên tham dự cuộc họp với Chính phủ.
Theo các phóng viên, những con số xếp hạng không biết nói dối trên đã cho thấy rằng mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn rất nhiều thách thức. Đồng thời, các phóng viên đặt ra câu hỏi về những giải pháp cụ thể, qua đó có thể giúp người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn nữa trong phát triển sản xuất, đầu tư kinh doanh năm 2017 tới.
Trả lời cho câu hỏi này, người đại diện Chính phủ đã đưa ra câu trả lời bao gồm một loạt các động thái nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, cả đã thực hiện, đang thực hiện và hãy còn ấp ủ. Những giải pháp này hướng tới thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp",
Cụ thể, người đại diện Chính phủ nhắc đến một vài hành động đã được thực hiện trước đây:
"Thời gian qua, thông qua việc trình Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; đồng thời, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều Nghị quyết quan trọng, Chính phủ đã tạo khung khổ pháp lý cơ bản đồng bộ cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện, đưa các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo."
Tiếp sau đó, vị này nhắc đến một loạt các động thái mà Chính phủ có thể sẽ thực hiện sắp tới:
"Tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai thực hiện có kết quả các chủ trương, nghị quyết đã đề ra, trong đó có một số giải pháp như:
Rà soát, ban hành đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Đẩy mạnh cải cách quy định thủ tục hành chính, bảo đảm các quy định thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.
Hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, điều chỉnh, sửa đổi theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, không bỏ sót hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả; tiếp tục gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.
Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm cắt giảm thời gian, chi phí hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến để nắm bắt, tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương."
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ