Môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 đã vượt qua Philippines, chỉ còn sau 3 quốc gia Singapore, Malaysia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam xếp hạng 90/189 quốc gia.
Trong khi đó, Philippines đã tụt hạng, xếp thứ 103. Inquirer của Philippines nhìn nhận việc kinh doanh ở nước này đã trở nên khó khăn hơn so với các quốc gia khác.
Với kết quả này, Việt Nam lọt top 5 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất Đông Nam Á, sau Singapore (đứng đầu), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (49) và Brunei (84).
Các chỉ số Việt Nam có cải thiện gồm:
- Khởi sự kinh doanh: Thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 10 ngày với 5 thủ tục
- Tiếp cận điện năng: Thời gian tiếp cận giảm 56 ngày, nhưng thứ hạng vẫn thấp xa so với các nước trong ASEAN 4. Hiện thứ hạng về tiếp cận điện năng của Việt Nam là 108, cách khá xa so với Malaysia (đứng thứ 13), Philippines (19), Singapore (6), và Thái Lan (11)
- Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH): Giảm 102 giờ, còn 770 giờ, nhưng số giờ nộp thuế và BHXH tại Việt Nam vẫn gấp 3 lần Thái Lan, gấp 4 lần Philippines và gấp 9 lần số giờ tại Singapore
- Giải quyết phá sản doanh nghiệp: Tăng 2 bậc, nhưng vẫn ở thứ hạng thấp (123/189 quốc gia). Thời gian giải quyết phá sản ở Việt Nam là 5 năm, trong khi thời gian này ở Malaysia là 1 năm và Singapore là 9,5 tháng
“Thuế nước nào cũng có, nhưng tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại tốn nhiều thời gian nộp thuế như vậy, còn doanh nghiệp các nước khác lại không? Tại sao cũng trên cơ sở thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp… mà các nước khác nộp thuế lại đơn giản hơn Việt Nam?”, bà Hoàng Thị Lan Anh –Phó trưởng ban Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, đặt dấu hỏi.
“Để đạt được ngang bằng ASEAN 4 là thách thức không nhỏ đối với chúng tôi. Khởi điểm năm 2015, từ 872 giờ nộp thuế và BHXH buộc giảm xuống 168 giờ thì không thể còn con đường nào khác, buộc chúng ta phải cải cách mạnh mẽ”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu khác có chiều hướng đi xuống như cấp phép xây dựng kéo dài 166 ngày trải qua 10 bước thủ tục (thời gian cấp phép năm 2015 là 114 ngày).
Trong đó, thủ tục ngốn nhiều thời gian nhất là cấp giấy phép xây dựng, mất tới 82 ngày. Thủ tục này năm 2015 chỉ mất 30 ngày.
Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới hiện cũng đang giảm 1 bậc mỗi năm do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu lâu hơn Singapore lần lượt từ 5 – 10 lần.
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến hết năm 2016, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ đạt trung bình ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Philippines) trên 3 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thuế; Thanh tra, kiểm tra thuế; Thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thể đạt trung bình ASEAN 3 (gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ