Là một thành phố du lịch, hiển nhiên ẩm thực của Sapa cũng vô cùng phong phú với ẩm thực du nhập và cả ẩm thực địa phương. Tới Sapa, bạn có thể thử nhiều món lạ.
Cá hồi
Cá hồi mới được nuôi thành công ở Sapa nhờ vào khí hậu ôn đới, gần giống khí hậu vùng châu Âu và Bắc Mĩ, nơi sinh sống của cá hồi. Không giống với cá hồi nhập khẩu thường béo, thịt bở, cá hồi nuôi ở Sapa có thịt chắc, màu hồng đẹp, thớ săn, ít mỡ và giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món khách nhau, nổi bật là gỏi cá hồi, lẩu cá hồi, cá hồi nướng… Nhờ vậy mà cá hồi đang dần trở thành món ăn sang trọng để thiết đãi du khách khi đến với Sapa.
Các món nướng
Các món nướng chính là những món ngon tạo nên nét đặc biệt của Sapa. Có thể cũng bởi khí hậu lạnh nên ở Sapa cái gì cũng có thể nướng. Từ trứng gà, trứng vịt, thịt xiên, rau cải quấn thịt, cơm lam, chân cánh gà tới ngô, khoai và nhiều món đặc biệt, do chính người dân Sapa tự nghĩ ra. Vào buổi tối se lạnh, khu đồ nướng là nơi thu hút đông khách du lịch nhất vì không gian quán ấm áp và những món ăn ngon miệng phù hợp với thời tiết lành lạnh ở phố núi.
Thắng cố ở Sapa
Thắng cố - Món ngon ở Sapa được nấu khá phức tạp. Với những người dân tộc, thắng cố thường nấu chung các loại thịt trâu, bò, lợn… Thắng cố ngon cần đến 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả, lá thơm… Các loại rau rừng là phần quan trọng thứ hai của món thắng cố. Đi du lịch Sapa bạn thưởng thức món thắng cố với hương vị đặc biệt, vừa ngọt lừ, béo ngậy, vừa đậm đà, thơm phức của món đặc sản này. Không gì thú vị bằng ngồi bên chảo thắng cố sôi sùng sục, vừa ăn vừa nhâm nhi chén rượu ngô, cảm thấy ấm áp hơn trong khí lạnh, gió núi tê buốt.
Thịt lợn cắp nách
“Lợn cắp nách” là một món ngon rất đặc biệt ở Sapa. Đây là giống lợn của người Mông bản địa nuôi theo kiểu thả rông, thỉnh thoảng đồng bào tóm một con kẹp vào… nách, đem ra chợ bán nên được gọi là lợn cắp nách. Một chú “lợn cắp nách” trưởng thành cũng chỉ nặng 4 – 5 kg. Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì ròn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thưởng thức món thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo Sapa thì thật tuyệt vời.
Cơm lam
Cơm lam là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, nguyên liệu chính là gạo nếp được nướng trong ống tre. Khi nướng chín, chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy bên ngoài, chừa lại một lớp lạt tre mỏng vừa tay người bóc khi ăn cơm. Cơm lam phổ biến và được yêu thích bởi vị ngon ấn tượng của gạo nếp, nước suối và hương thơm nhẹ nhàng của tre.
Xôi bảy màu
Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bảy màu của xôi gồm hồng, đỏ tươi, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối và vàng đều được làm từ nhiều loại lá rừng tự nhiên nên xôi mang mùi vị đặc trưng của núi rừng nơi đây. Đồng bào ở đây quan niệm rằng, ăn xôi vào những dịp lễ tết sẽ mang lại nhiều may mắn.
Cao Thức