"Nền giáo dục nhồi nhét đã có lịch sử từ rất lâu, không nên hy vọng thành quả của đổi mới sẽ đến qua một đêm".
"Đã mất quá nhiều năm cho nền giáo dục nhồi nhét"
Nhà báo Lê Hạnh: Tranh cãi, thảo luận, hay va đập lợi ích giữa các chủ thể khác nhau rồi cũng phải đến lúc quyết định "chốt" lại. Theo chị, năm 2016, điều gì vẫn cần thảo luận kỹ càng, điều gì có thể "chốt" được để thực hiện?
TS Phạm Thị Ly: Cải cách giáo dục phổ thông là vấn đề không thể chậm trễ hơn nữa.
Thành tích thi PISA của Việt Nam, mặc dù đáng khích lệ, nhưng không phải là toàn bộ năng lực và kỹ năng mà lực lượng lao động của chúng ta cần đến trong việc phát triển xã hội và kinh tế; không phải là thứ có thể thay thế cho năng lực cạnh tranh của con em chúng ta trên thị trường toàn cầu.
Chúng ta đã mất quá nhiều năm cho một nền giáo dục nhồi nhét và áp đặt.
Hệ quả là, việc học đáng lẽ là một niềm vui đã bị chúng ta biến thành một thứ lao động khổ sai cho con em, đến nỗi vừa có một nghiên cứu thống kê cho biết, có đến 17% học sinh phổ thông từng có ý định tự tử.
Sở dĩ giáo dục phổ thông quá tải là vì chúng ta đã coi kiến thức là mục tiêu, cho nên nhồi nhét càng nhiều càng tốt.
Câu hỏi đối với nhà tuyển dụng ngày nay không phải là: "Bạn đã biết những gì?", mà là: "Bạn có khả năng học được những gì?", "Bạn có đủ những phẩm chất để có thể làm việc cùng với người khác, và với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể hay không"?.
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã được xây dựng trên nền tảng ý tưởng biến một nền giáo dục nhồi nhét thành một nền giáo dục nhằm vào xây dựng và phát triển năng lực. Đó là một hướng đi đúng, mặc dù việc thực hiện nó sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức.
Bộ GD-ĐT rất cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, nhưng lắng nghe không phải là "đẽo cày giữa đường".
Cần chuẩn bị để tiếp thu những đóng góp có lý và có ý nghĩa xây dựng, nhưng cũng cần kiên định những vấn đề có tính chất nguyên tắc.
Đại học phải có trách nhiệm giải trình
Đổi mới ở phổ thông hẳn là quan trọng rồi, nhưng bậc đại học mới là nơi đào tạo và quyết định nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế. Trong năm 2015, bà quan sát thấy những gì tích cực ở lĩnh vực giáo dục đại học? Theo chị, trong năm 2016, nếu chọn một giải pháp có tính mấu chốt để cải thiện chất lượng ở bậc đào tạo này, chị sẽ chọn điều gì?
Tự chủ ĐH tiếp tục là vấn đề nóng, mặc dù tự chủ không phải là cây đũa thần tạo ra thay đổi trong GDĐH, lại càng không tự động dẫn đến chất lượng.
Nhà nước đang đẩy mạnh chuyển một số trường công sang cơ chế tự chủ tài chính, nói cách khác là xem GDĐH như một dịch vụ và đặt các trường vào bối cảnh thị trường để các trường phải năng động hơn nhằm đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.
Trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì.Rõ ràng đây mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thị trường có nghĩa là cạnh tranh, vì vậy các trường sẽ phải thay đổi mạnh mẽ trong chương trình và trong chính sách nhân sự để có thể tồn tại và phát triển.
Do đó tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm quyền tự chủ thực sự của các trường là một hướng đi đúng.
Tuy nhiên, có vẻ như cả nhà nước lẫn các trường đều quá nhấn mạnh đến việc tăng cường mức độ tự chủ, hiểu theo nghĩa "có quyền làm việc này việc nọ mà không phải xin phép ai", mà chưa chú trọng đầy đủ đến một khía cạnh cực kỳ quan trọng tạo ra sự quân bình trong việc mở rộng tự chủ, đó là trách nhiệm giải trình.
Điều lệ Trường ĐH có hơn 20 ngàn từ thì chỉ có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình, mà chủ yếu chỉ là trách nhiệm bảo đảm an ninh chính trị.
Thậm chí, văn bản này còn không sử dụng đúng khái niệm "trách nhiệm giải trình", mà chỉ dùng từ "trách nhiệm xã hội" vốn là một từ không phản ánh đúng ý nghĩa của trách nhiệm giải trình.
Vì vậy nếu chọn một giải pháp mấu chốt để tăng cường chất lượng, tôi cho rằng cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình của các trường.
Không phải chỉ là giải trình với các cơ quan quản lý hay các tổ chức kiểm định, mà còn là giải trình trước tất cả các bên liên quan của GDĐH, đặc biệt là người học và cha mẹ họ, những người đã trả tiền cho việc học ở trường tư hoặc đóng thuế để nuôi sống các trường công.
Quan trọng là tạo động lực cho giáo viên
Đổi mới mà nửa vời thì còn nguy hiểm hơn là không đổi mới. Đặc biệt với tư duy nhiệm kỳ, nghi ngại này không phải không có cơ sở. Chị có khuyến cáo gì để tránh đổi mới nửa vời?
Thế nào là đổi mới nửa vời? Chúng ta không nên hy vọng thành quả của đổi mới sẽ đến qua một đêm. Làm sao có thể sáng mai thức dậy, mọi sự đâu vào đó, con em chúng ta vui vẻ hăng hái đến trường và học được những điều quý giá mà nếu như không đến trường thì khó mà có được.
Không, sẽ không bao giờ có cuộc đổi mới nào dễ dàng như vậy.
Bà Phạm Thị Ly: Điều quan trọng là tạo động lực cho giáo viên |
Nền giáo dục nhồi nhét này đã có lịch sử từ rất lâu, và sẽ rất khó thay thế nó ngày một ngày hai.
Vì vậy, chắc chắn là sẽ cần đến nhiều năm, cần sự tham gia của rất nhiều người để có thể đạt đến một nền giáo dục mà chúng ta mong muốn.
Với một chặng đường dài như vậy, thì mỗi một bước tiến đều đáng quý. Đi nhanh hay đi chậm, tùy thuộc vào nguồn lực mà chúng ta có, tùy thuộc vào mức độ chính phủ có thể thuyết phục được người dân, tùy thuộc vào mức độ tham gia và ý thức trách nhiệm của từng người dân.
Không có vấn đề nửa vời ở đây. Nếu chúng ta nói như thế, nhưng làm không phải như thế, thì đó lại là vấn đề khác, không phải là câu chuyện nửa vời.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ cho lực lượng giáo viên. Bởi vì đổi mới phương pháp và mục tiêu giáo dục thực chất sẽ diễn ra trong từng lớp học, cho nên điều đáng lo ngại nhất chính là vấn đề giáo viên.
Tập huấn, hướng dẫn tất nhiên là cần, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là tạo ra động lực làm việc cho họ.
Xin cảm ơn tiến sĩ Phạm Thị Ly. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại
Cùng với những thay đổi "từ trên xuống" theo nghị quyết, nghị định, v.v.. trong đời sống giáo dục hiện nay cũng đang nổi lên hoạt động của các cá nhân, tổ chức, nhóm xã hội. Chị nhìn nhận như thế nào về tác động của các hoạt động này trong tiến trình đổi mới giáo dục?
TS Phạm Thị Ly: Sáng kiến Sách hóa Nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch và chuyến đi bộ 123 ngày của anh từ Hà Nội vào TP.HCM để vận động xây dựng tủ sách phụ huynh, là một sự kiện làm lay động lòng người.
Có hai điểm quan trọng đáng lưu ý trong sự kiện này: một là sáng kiến và nỗ lực của anh Thạch rất đáng trân trọng, và hai là sự công nhận của Bộ GD-ĐT đối với những nỗ lực ấy.
Đây là một ví dụ tuyệt vời về sự gặp gỡ giữa nỗ lực từ dưới lên và thiện chí của những người làm chính sách trong hệ thống nhà nước.
Thiếu một trong hai thì tác động của những nỗ lực đó sẽ bị hạn chế.
Nhiều nỗ lực tương tự của các cá nhân, tổ chức và nhóm xã hội cũng đang phát triển ngày càng mạnh, ví dụ như nỗ lực của các bạn trẻ tổ chức những hoạt động chia sẻ và gắn kết cộng đồng trên tinh thần khai phóng như dự án lớp học "1 tô hủ tíu" của bạn Phan Khắc Huy, nhóm Toa Tàu của họa sĩ Bút Chì ở TPHCM, hay dự án "Tôi xê dịch" của bạn Thu Hà và Giap school của TS. Giáp Văn Dương.
Nếu nói về quy mô, thì những nỗ lực này chỉ là muối bỏ biển, nhưng xét về ý nghĩa, nó nói lên sự thức tỉnh của một bộ phận tinh hoa trong xã hội. Quan trọng hơn, những thức tỉnh đó đã và đang được thể hiện bằng hành động.