PVTex được thành lập với mong muốn tự chủ nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, vốn đầu tư lên tới 7.000 tỷ. Tuy nhiên, nhà máy liên tục lỗ kể từ khi vào vận hành, tồn kho cao và dừng vận hành từ nửa năm nay.
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành
Khi giá dầu lao dốc, không ít doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN đã gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tuy vậy, một trong những đơn vị lỗ lớn nhất của PVN trong năm 2015 lại không hoạt động trực tiếp trong ngành dầu khí mà là dệt sợi.
CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí – PVTex là chủ quản của nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ tại Hải Phòng. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, nhà máy này dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp VN tự chủ một phần nguyên liệu dệt may. Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5-2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy...
Theo báo cáo tổng kết năm 2015 của PVN, do ảnh hưởng giá dầu thế giới giảm nhanh và sâu làm cho thị trường xơ sợi gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ, đặc biệt giá bán sản phẩm xuống thấp bất thường, PVTex đã dừng sản xuất 3 đợt để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn.
Ước tính trong năm 2015, PVTex thua lỗ 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng tính đến cuối năm.
Ngày 11/3/2016 vừa qua, Tổng giám đốc PVTex Đào Văn Ngọc đã ra thông báo cho biết tình hình tài chính của công ty đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành Nhà máy, không có khả năng thanh toán chi tiêu tối thiểu và nợ đến hạn. Nhà máy đã dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 và hiện vẫn chưa hoạt động trở lại. Nguy cơ phá sản của PVTex đang cận kề.
PVN và PVTex đang tích cực làm việc với các ngân hàng tài trợ để thu xếp tài chính chạy lại nhà máy.
Do thị trường đang có tín hiệu tích cực , giá dầu tăng dẫn đến giá bông, xơ sợi đang dần hồi phục. Tuy nhiên, trong ngắn hạn công ty vẫn chưa thu xếp đủ nguồn tài chính để duy trì toàn bộ đội ngũ nhân lực vận hành. Vì vậy công ty phải giảm tối đa các chi phí, trong đó có chi phí nhân công chờ thời gian phê duyệt kế hoạch kinh doanh và thu xếp nguồn tài chính.
Theo đó, PVTex tạm thời giữ lại phục vụ các công việc cần thiết trong giai đoạn dừng nhà máy tối đa là 254 người, đồng thời lên danh sách các cán bộ nhân viên sẽ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời gian tạm hoãn kéo dài trong 4,5 tháng kể từ ngày 16/3/2016.
So với thời điểm đi vào vận hành năm 2014 với số lượng 1000 công nhân viên thì đến thời điểm này, 3/4 người lao động tại PVTex đang phải tạm nghỉ việc.
Những khó khăn của PVTex được phân tích cụ thể tại đây:
Nhà máy 7.000 tỉ đồng ... “đắp chiếu”
(Theo Trí thức trẻ)