Năm 2015 được đánh giá là năm “bội thu” nguồn vốn cam kết đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài thông qua hai hình thức là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
Năm 2015, vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 6,72 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 30% vốn FDI. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại Samsung tại nhà máy ở Bắc Ninh. Ảnh: HÙNG LÊ |
FDI tăng cao với dấu ấn xứ kim chi
Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2015 đã chứng kiến hai mốc thời gian thăng trầm trái ngược nhau, với nửa năm đầu bị sụt giảm mạnh rồi tăng cao trở lại vào nửa năm sau, để đạt mức 22,76 tỉ đô la Mỹ vốn cam kết, tăng 12,5% so với năm trước. Con số cuối cùng dự kiến còn cao hơn khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có được kết quả cập nhật đến ngày cuối cùng năm 2015 của các địa phương gửi về.
Trong đó, đáng chú ý là Công ty Samsung Display đã điều chỉnh tăng vốn đến 3 tỉ đô la Mỹ để đầu tư cho dự án sản xuất màn hình tại tỉnh Bắc Ninh. Tiếp đến là các dự án quy mô lớn khác như dự án thành phố Đế Vương, vốn đầu tư 1,2 tỉ đô la Mỹ ở TPHCM; Nhà máy Điện Duyên Hải 2, vốn đầu tư 2,4 tỉ đô la Mỹ tại Trà Vinh và dự án nhà máy sản xuất giấy bao bì Cheng Loong ở Bình Dương, vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ...
Hàn Quốc tiếp tục là nước đứng đầu bảng xếp hạng đầu tư FDI với 702 dự án mới và 260 dự án tăng vốn; tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 6,72 tỉ đô la Mỹ; chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI cam kết vào nước ta.
Bên cạnh yếu tố môi trường kinh doanh được cải thiện và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, nói như ông Young-Jun Cho, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chính sự tham gia những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn như Samsung, LG, Emart, Lotte, Doosan... sẽ tiếp tục kéo thêm nhiều nhà cung cấp của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Xét về ngành nghề đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 67% tổng vốn đăng ký.
Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư mới, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình giải ngân vốn thực hiện của doanh nghiệp FDI trong năm qua cũng có tiến triển. Tổng số vốn thực hiện ước đạt 14,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với năm trước. Trong khi, mức giải ngân trung bình trong ba năm qua chỉ chừng 11-13 tỉ đô la Mỹ/năm.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia, cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây có thêm các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu.
Kỷ lục mới về vốn gián tiếp
Năm 2015, Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài thông qua hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với quy mô lớn. Hãng tin Bloomberg vừa công bố tổng giá trị các thương vụ M&A liên quan đến các công ty Việt Nam đã tăng 40% trong năm 2015, đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, vượt kỷ lục 4,2 tỉ đô la Mỹ của năm 2012. Kết quả dựa trên số liệu từ Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA) có trụ sở tại Vienna, cho thấy trong năm qua lĩnh vực tài chính có nhiều thương vụ nhất với tổng giá trị khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, kế tiếp là lĩnh vực hàng tiêu dùng với 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Theo ông John Ditty, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, việc tái cơ cấu nền kinh tế cùng những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh đã thúc đẩy các giao dịch M&A gia tăng. “Khi nhà đầu tư nhìn nhận môi trường đầu tư được cải thiện và tạo sự bền vững từ phía Chính phủ, họ sẽ có niềm tin để đẩy mạnh đầu tư”, ông Ditty nói.
Trước đây, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, dù chỉ là 1% vốn, đều phải xin phép. Theo quy định mới, nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 49% vốn thì không còn phải xin phép nữa. Nghị định 60 cũng đã chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hãng tin Bloomberg dự báo hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục lập kỷ lục vì nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến ngành tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh. Các công ty luật Baker & McKenzie và Duane Morris cũng dự báo hoạt động M&A sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay, sau khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như Luật Đầu tư mới có hiệu lực. Nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn trước dự báo tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016, nhanh nhất trong chín năm qua và thị trường tiêu dùng có đến 60% khách hàng dưới 35 tuổi.
Bloomberg phân tích, Việt Nam đang có nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư để quá trình mua lại các công ty trong nước diễn ra nhanh chóng và minh bạch hơn. Cụ thể Luật Đầu tư mới có hiệu lực đã rút ngắn hai phần ba thời gian chờ cấp phép, xuống còn 15 ngày. Tháng 12-2015, Chính phủ ban hành quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào 18 ngành như: tiêu dùng, bất động sản, vận tải, xây dựng, sản xuất...
Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng trong nước cũng tăng mạnh. Euromonitor dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 47% từ nay đến năm 2019, lên mức 184,9 tỉ đô la Mỹ.
Hoạt động M&A trong năm 2016 tại Việt Nam đã có những dấu hiệu sôi nổi. Mới đây, Boon Rawd Brewery, công ty bia lâu đời của Thái Lan, đồng ý đầu tư 1,1 tỉ đô la Mỹ vào tập đoàn Masan. Còn ANA Holdings Inc - sở hữu hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản vừa có thỏa thuận mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá khoảng 109 triệu đô la Mỹ...
Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn Infocus Mekong Research, cho rằng miễn là Chính phủ đi đúng lộ trình đã vạch ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên, đặc biệt trong năm 2016 và 2017.
Ông Oliver Massmann, chuyên gia đến từ Duane Morris, nhận định “sự hội nhập ngày càng sâu hơn và rộng hơn vào kinh tế thế giới của Việt Nam đang đem đến cho hoạt động M&A nhiều cơ hội mới”. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, như thủ tục hải quan và thuế còn khá rườm rà, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cần được cải thiện..
Theo Quốc Hùng - TBKTSG