Có những thời điểm giá cà phê nhân Robusta lên tới 50 triệu đồng/tấn, thời kỳ đó, nhiều nông dân đã ăn nên làm ra, xây nhà lầu, xe hơi. Nay giá cà phê xuống thấp, thậm chí xuống dưới mức giá thành. Nhiều tổ chức nhận định, triển vọng năm 2016 cũng không sáng sủa.
Nông dân thu hoạch cà phê - Ảnh: TL
Sản lượng giảm, giá…không tăng
Anh Nguyễn Văn Phú (40 tuổi), nông dân trồng cà phê tại Quảng Phú, H.Cư M’Gar, Đak Lak cho hay, năm nay hạn hán, sản lượng cà phê nhà anh giảm khoảng 10% so với mọi năm nhưng thê thảm nhất là giảm giá. Hiện nay, cà phê Robusta khô khoảng 36 triệu đồng/tấn, thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm 50 triệu đồng/tấn vài năm trước.
“Với mức giá này coi như chúng tôi không còn lãi, cộng thêm phải vay thêm ngân hàng để tái canh 40% diện tích cà phê già cỗi, coi như năm nay, gia đình tôi đón một cái tết buồn”, anh Phú nói.
Tại thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, anh Hoàng Tùng Minh (35 tuổi) cho hay, đã gần một tháng nay ở Bảo Lộc không có mưa, hạn hán khiến hơn 2,5 héc ta diện tích cà phê của anh bị ảnh hưởng. “Chờ vài ngày nữa, nếu thời tiết vẫn không mưa chắc tôi phải đi thuê máy tưới”, anh Minh buồn bã nói và cho biết thêm, cái quan trọng bây giờ không phải tiền tưới hết bao nhiêu mà quan trọng có nước tưới hay không.
Anh Minh cho hay, giá cà phê năm nay xuống thấp, chỉ còn 37 triệu đồng/tấn cà phê khô. Với mức giá này, coi như gia đình làm không công cả vụ cà phê vừa qua.
Theo thống kê của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2014-2015, tổng diện tích canh tác cà phê Việt Nam là 617.700 héc ta, sản lượng tương đương 1,5 triệu tấn. Con số này so với những năm trước giảm 20%.
Sản lượng giảm, theo Vicofa, một phần là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới thời tiết khô hạn, thiếu nước, cà phê ra hoa không tập trung. Bên cạnh đó, chương trình tái canh vườn cà phê diễn ra chậm nên sản lượng cũng như diện tích vườn cà phê già cỗi tăng, làm cho sản lượng cà phê giảm.
Không chỉ Việt Nam mà sản lượng cà phê trên thế giới cũng giảm. Theo Vicofa, sản lượng cà phê trên thế giới năm 2014 – 2015 là 141 triệu bao, tương đương 8,5 triệu tấn, so với niên vụ trước giảm 3,5%. Nhưng có một nghịch lý mà theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa là “không thể giải thích nổi” khi sản lượng cà phê liên tục dự báo giảm mà giá cà phê cũng giảm theo. Hiện tại giá cà phê không còn tuân theo cung cầu mà theo thị trường tài chính.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2015 đạt 30,13 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,4% so với năm 2014, trong đó cà phê, một mặt hàng nông sản chủ lực, đóng góp “tích cực” cho sự sụt giảm đó khi giảm tới hơn 28% kim ngạch.
Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân là do Brazil, Colombia, Indonesia tiếp tục phá giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ, khiến giá cà phê từ các nước này hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu so với cà phê Việt Nam. Cụ thể, Mỹ tăng lượng nhập khẩu cà phê từ Colombia và Indonesia lần lượt 10% và 7% trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, trong khi Đức cũng tăng lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil (1%) và Indonesia (27%).
Dự báo không mấy sáng sủa
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp trên thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2015 vừa qua, El Nino thuộc dạng mạnh nhất kể từ năm 1997-1998.
Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ khẳng định 95% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến giữa tháng 3 năm 2016 và dự báo sẽ gây nhiều thiệt hại cho ngành nông nghiệp. Sản lượng cà phê ở Việt Nam và trên thế giới theo đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù sản lượng cà phê sẽ giảm nhưng tồn kho lại không có dấu hiệu giảm theo. Hiện tại tồn kho cà phê tại các thị trường chính đều tăng và duy trì ở mức cao. Theo báo cáo của Hiệp hội cà phê nhân Mỹ, tồn kho tại khu vực Bắc Mỹ ước đạt 367.000 tấn, tăng gần 5.400 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Tồn kho tại Châu Âu, theo Hiệp hội cà phê châu Âu, đạt gần 715.000 tấn, tăng 19.400 tấn so với năm 2014. Tại Nhật Bản, tồn kho cà phê nhân đến cuối tháng 8-2015 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt mức 202.000 tấn.
Tại Việt Nam, theo ước tính của Bloomberg, tính đến cuối tháng 9-2015, nông dân và thương nhân đang còn giữ khoảng 50.000 tấn cà phê và thêm 192.000 tấn tại kho của các nhà xuất khẩu ở TP.HCM. Như vậy, tổng lượng tồn trữ khoảng 242.000 tấn, cao hơn gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2014 khi dự trữ chỉ ở mức 90.000 tấn.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới dự báo so với năm 2015, giá thực tế cà phê Robusta sẽ giảm 3% vào năm 2016, giảm 5% năm 2017 và giảm sâu 13% năm 2020. IMF thậm chí dự báo giá thực tế cà phê Robusta sẽ giảm 10% trong năm 2016 so với năm 2015.
Dự báo giảm giá này sẽ rất bất lợi trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục găm hàng chờ giá lên.
Theo Thùy Dung / TBKTSG