Tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2020-2021 vừa qua. Thế mà trái cà phê trên cây nhiều nơi vẫn chưa chịu chín. Thời tiết ít nắng nhiều mưa trong giai đoạn này cho thấy năm nay thu hoạch không đúng như dự định.
Trái cà phê tại vườn thuộc HTX Eatu đến cuối tháng 10-2020 vẫn còn xanh.
Hàng vụ mới ra chậm
“Ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina thật là tai hại. Đến cuối tháng Mười rồi, trái cà phê vẫn còn xanh rơn do cây cà phê thiếu nắng do thiếu quang hợp,” ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Eatu, buôn K’o Tam, cách TP. Buôn Ma Thuột chừng mươi cây số theo đường về Nha Trang cho biết.
Dẫn đi thăm nhiều vườn cây thuộc HTX dưới những đợt mưa do cơn bão Molave (bão số 9) đưa tới, trái cà phê nhiều vườn vẫn còn xanh. Bình thường, ở giai đoạn này, nếu cây cà phê đủ nắng, nhiều chùm trái đã chuyển qua màu vàng, đợi thêm chục ngày nắng ráo, trái vàng chuyển sang màu đỏ, là có thể bắt đầu hái dần. Tuy nhiên, năm nay, ngay giai đoạn cần nắng mươi ngày để “thúc” trái chín đã không xảy ra. “Mùa cà phê có thể chậm đến cả tháng,” một xã viên người dân tộc Ê Đê thuộc buôn K’o Tam nói.
Không chỉ ở Đắc Lắc, chị Ngọc, chủ Mori Farm ở Bàu Cạn, TP Pleiku còn cho biết nhiều trận mưa lớn trước đó mà đỉnh điểm là bão số 9 làm trái cà phê vườn của chị rụng nhiều do trong các tháng trước nắng nhiều hơn mưa, cây cà phê Bàu Cạn chịu những trận hạn dài ngày.
Một số nhà vườn tại hai tỉnh Pleiku và Kontum, nơi tâm bão đi qua sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Trung phần cũng báo rằng vườn của họ bị ngập lũ, cây gãy đổ…gây thiệt hại đáng kể. Một nhà vườn ở Đăk Đoa, Pleiku cho hay cây cà phê chỉ bị ngập úng vài ngày là khó sống nổi.
Nhà vườn tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của cả nước, càng lo hơn khi nghe dự báo thời tiết cho rằng cơn bão số 10 có tên quốc tế “Goni” sẽ còn mạnh hơn bão Molave và trực tiếp ảnh hưởng đến vùng cà phê Việt Nam, nơi cà phê đang cần nắng để trái chín và được thu hái.
Bão nhưng giá cà phê không “bão”
Dù chịu ảnh hưởng do bão và thời tiết ẩm ướt, giá cà phê robusta trên sàn phái sinh London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, chỉ mới chịu lên khi thị trường “ngấm” tin thiệt hại do bão Molave gây ra. Còn giá arabica New York vẫn rớt thê thảm.
Đóng cửa ngày giao dịch cuối tháng 10-2020, giá arabica chốt tại 106.85 cts/lb và robusta tại 1.351 đô la Mỹ/tấn. Tin bão gây thiệt hại đã giúp London tăng 20 đô la/tấn nếu tính cả tháng 10-2020, hay lợi suất đầu tư tăng 1,50%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá robusta mất 121 đô la/tấn tức giảm 8,22%. Giá arabica thì tệ hơn, cả tháng 10-2020 giảm 5.85 cts/lb hay 129 đô la/tấn, còn tính từ đầu năm, sàn New York mất 33.20 cts/lb hay 732 đô la/tấn và lợi suất đầu tư sàn này mất đến 23,71%.
Sàn arabica suy sụp được cho là cà phê Brazil niên vụ này được mùa lớn và năm tới vẫn đầy hứa hẹn dù nước này sẽ vào “năm mất” của chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê arabica. Ngoài ra, đồng nội tệ Brazil Reais (Brl) tuần qua chịu áp lực giảm xuống 5,75 Brl ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp nhất tính từ 16 tuần nay.
Giá arabica giảm mạnh nhưng robusta vững sẽ là một trở ngại cho sức cạnh tranh và thị phần của robusta về sau vì khi giá cà phê arabica rẻ, nhà nhập khẩu có thể đổ xô mua arabica.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại các vùng tiêu thụ cà phê cũng đang gây trở ngại cho thị trường cà phê. Các nước Pháp, Đức, Anh…thực hiện nghiêm ngặt chế độ giãn cách xã hội, cấm quán xá hoạt động, lại gặp thời kỳ đỉnh cao của tiêu thụ cà phê hàng năm là mùa giá rét và lễ lạt như lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2021, giá cà phê có thể còn nhiều biến động theo hướng tiêu cực nhiều hơn.
Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 10-2020 đạt chừng 90.000 tấn, giảm 1% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, mười tháng đầu năm 2020, cả nước xuất khẩu đạt 1,34 triệu tấn cà phê với tổng kim ngạch 2,3 tỷ Usd, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 1,3% về lượng và giảm 0,7% về giá trị. Dù tăng về số lượng, cà phê xuất khẩu tháng 10-2020 là hàng tồn của vụ cũ từ trong các kho đã mua sẵn nay xuất đi.
Hàng vụ mới còn cần một thời gian nữa mới ra thị trường, ít nhất từ ba tuần đến một tháng tùy theo còn ít hay nhiều cơn bão ảnh hưởng đến Tây Nguyên, nơi cây cà phê đang “sốt ruột” chờ chín.