Chỉ cần ngồi một chỗ đặt hàng trên mạng, thực phẩm sẽ được giao đến tận bếp cho bà nội trợ. Tiện ích là thế nhưng đi kèm với nó là những rủi ro của các mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ chứa chất nguy hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bán thực phẩm qua mạng “trăm hoa đua nở”
Với từ khóa “thực phẩm online” chỉ mất 0,52 giây tìm kiếm đã cho ra kết quả 119.000 gian hàng trên google. Thời đại công nghệ số đang mang lại những tiện ích rất lớn cho cả cộng đồng, chỉ bằng một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh cả thế giới sẽ đến với mỗi gia đình. Người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng, người kinh doanh cũng tiết kiệm được các khoản chi phí kinh doanh như thuê mặt bằng, nhận sự. Nhưng bên cạnh đó là các chiêu trò lách luật, trốn thuế, né các giấy phép đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh… vì hoạt động buôn bán trên mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Công nghệ số đang mang đến nhiều tiện ích cho cộng đồng nhưng cũng đi kèm những rủi ro
Bên cạnh những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính thì dịch vụ kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội đang “trăm hoa đua nở” mà không cần biết đến các thủ tục đăng ký kinh doanh và những giấy phép đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng phần vì ham rẻ phần vì chưa nhận thức đầy đủ về tính minh bạch của các sản phẩm liên quan đến nhu cầu ăn uống thường ngày nên vô tình tạo điều kiện cho thực phẩm kém chất lượng lên bàn ăn của chính gia đình mình.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh (58 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) đã phải bỏ đi 2kg thịt bò được người bán quảng cáo là thịt bò Úc. “Tôi lên mạng thấy họ nói thịt mềm ăn rất ngon nên đặt mua cho gia đình 1kg nhưng họ bảo phải 2kg mới giao hàng. Tôi nghĩ mua về nếu ăn không hết thì cấp đông dùng dần nên đồng ý đặt hàng”.
Bà cho biết thêm: “Thịt được giao qua dịch vụ xe ôm, khi nhận hàng tôi kiểm tra thấy đông đá nhưng hoàn toàn không có gì để chứng minh đó là thịt bò Úc vì chẳng thấy tem nhãn gì cả. Tôi gọi điện cho người bán hàng thắc mắc thì họ giải thích thịt nhập về nguyên lô số lượng lớn sau đó xẻ nhỏ nên không có chứng nhận cho đơn hàng thịt lẻ. Nghĩ cũng có lý nên tôi chấp nhận lấy hàng, tuy nhiên, chế biến thì thịt có mùi lạ nên tôi không dám sử dụng”.
Kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm ở chợ truyền thống đã khó, kiểm soát trên online càng khó hơn
Một người nội trợ khác là chị Phạm Thị Phương (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Hôm trước mình lướt Facebook thấy người bán hàng đăng thông tin “bơ ngon nhà trồng” nên đặt mua 5kg với giá 60.000 đồng/kg dự định một phần để ăn, một phần mang biếu ba mẹ. Khi bơ được giao thì có quả còn xanh, quả đã bắt đầu chín. Một ngày sau mình bổ bơ ăn thử thì phát hiện những quả chín và quả vừa chín tới đã bị nấm mốc từ bên trong, khi gọi điện cho người bán thì họ bảo có thể là do khâu vận chuyển, bảo quản. Mình không dám ăn vì chẳng biết họ có dùng hóa chất nguy hiểm nào hay không”.
Chỉ nên mua khi biết rõ uy tín, chất lượng
Trước thực tế việc kinh doanh hàng hóa nói chung và kinh doanh thực phẩm đang bùng nổ trên mạng xã hội hiện nay, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cảnh báo: Thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện phải được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh những nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp đặc biệt là việc kinh doanh qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, tính minh bạch của thực phẩm trên mạng xã hội
Từ thực tế kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cho biết: Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên nên rất khó cho công tác quản lý. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng.
Người bán thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin, địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được. Vì vậy, thông tin liên lạc cùng danh tính của người bán chưa thực sự rõ ràng và xác thực khiến người tiêu dùng rất khó kiểm tra được chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất cẩn thận.
Từ những thực tế nêu trên, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm khuyến cáo khi tiêu dùng những sản phẩm được mua sắm qua mạng người tiêu dùng cần lưu ý: tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm thực phẩm mà mình muốn tiêu dùng về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); thành phần cấu thành nên sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng); yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản.
Chỉ nên chọn mua thực phẩm từ những cơ sở uy tin, đảm bảo chất lượng, có thương hiệu trên thị trường
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin. Nên vào đúng trang web của cơ sở hoặc trang mạng xã hội của người bán để tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của cơ sở.
Chỉ nên chọn sản phẩm thực phẩm từ các sơ sản sản xuất, kinh doanh có bề dày hoạt động trên thị trường, có uy tín với thương hiệu và chất lượng sản phẩm được kiểm chứng cùng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Tránh tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm được quảng cáo bắt mắt, công dụng thiếu thực tế và chứng cứ khoa học, mập mờ về nhãn mác cùng xuất xứ không rõ ràng.
Vân Sơn / Dân trí