Hoa rực rỡ từ trong nhà ra ngoài phố, nở rộ trên các công trình công cộng với đủ màu, đủ loại, khiến thành phố mùa xuân thơ mộng và duyên dáng hơn.
Hoa trong vườn
Ngắm hoa trong công viên hay vườn hoa đã trở thành một hoạt động thú vị đối với bất cứ ai mỗi lần ghé thăm Đà Lạt và các tour du lịch. Công viên nằm cạnh Hồ Xuân Hương vào mùa xuân tràn ngập màu sắc các loại hoa Việt và ngoại nhập. Nửa ngày lang thang công viên cũng không đếm và kể hết tên của những loài hoa có mặt ở đây.
Ánh nắng mặt trời và không khí mát mẻ như càng khiến các loài hoa khoe vẻ đẹp độc đáo và mùi hương trước những con mắt ngưỡng mộ của du khách. Đến nay, hoa cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường và lay ơn đã được đăng ký là loại hoa đặc trưng dành riêng cho Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu luôn được người yêu hoa tại Đà Lạt nhắc đến là người có công di thực nhiều giống hoa từ châu Âu, châu Á về Đà Lạt như phượng tím, chuông đỏ, sen núi hay tường vi. Không chỉ dừng lại ở những vườn hoa của người dân trồng mang ra chợ bán, Đà Lạt đã được nhiều công ty trồng hoa đầu tư, khai thác với mô hình trồng hoa trong nhà kính.
Những bó hoa được xử lý và đóng gói tại một xưởng lạnh.
Canh hoa trồng ở Đà Lạt còn kỹ hơn chăm rau. Giải thích cho những người công nhân cần mẫn bên luống hoa, một chị có biệt danh là “bác sĩ của hoa” tâm sự: “Hoa càng đẹp thì càng đỏng đảnh, chăm hoa như chăm bệnh nhân, ngoài việc theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thường xuyên qua máy móc, công nhân phải trực tiếp thăm các luống hoa ngày hai lần. Nếu độ ẩm hay ánh sáng không ổn định là phải điều chỉnh mở đóng mái kính kịp thời. Chủ quan đôi chút thì hoa hoặc là sẽ nở quá sớm, hai là quá trễ, có khi chẳng thèm ra hoa”.
Ngoài những luống hoa ly, hoa hồng đã trổ nụ chuẩn bị cho dịp thu hoạch vào mùa Tết, người chăm hoa đã bắt đầu thu hoạch những cây tulip “vừa chín”, một trong những giống hoa xứ lạnh Hà Lan đã được thuần và phát triển tại Đà Lạt. Họ dùng vòi nước rửa sạch đất cát bám vào lá và gốc rễ, chất thành từng bó chuyển vào kho lạnh.
Không chỉ cần được chăm chút và quan tâm thường xuyên, những cành hoa khi được thu hoặc đưa đi bảo quản và giao đến tay người dùng cũng cần được nâng niu một cách nhẹ nhàng và cẩn thận.
Hoa góc phố
Lang thang trên những con phố khi thì dốc, lúc lại ngoằn ngoèo ở ngay trung tâm Đà Lạt, du khách cũng rất dễ bắt nhiều loại hoa khoe đủ màu sắc ven đường, từ các cây bản địa như hồng tiểu muội, dâm bụt, mồng gà, tigon cho đến những loài hoa có nguồn gốc ngoại quốc như mimosa, mai anh đào hay phượng tím. Đã có ít nhất hai loài hoa được mang tên đường ở thành phố sương mù này là mimosa và mai anh đào.
Du khách và hoa anh đào.
Cầm chiếc máy ảnh trên tay, dường như du khách đến Đà Lạt khó thể cưỡng lại việc bấm liên tục khi nhìn thấy những bông hoa khoe sắc mà họ gặp trên đường đi. Có lẽ đây là cách tuyệt vời nhất cho khách du lịch lưu lại vẻ đẹp kiêu sa của những bông hoa tại thành phố cao nguyên này.
Trong số những người cầm máy, không ít là các nghệ sĩ đi tìm cảm hứng sáng tác. “Mỗi năm, khi thời tiết, nhiệt độ thay đổi đều khiến cho màu hoa và độ nở hoàn toàn đổi khác, khiến tâm trạng người ngắm cũng có nhiều thay đổi.. Bởi thế dù chụp cùng một loại hoa vào mỗi dịp xuân về nhưng những tấm ảnh không hề giống nhau”, chị Nguyễn Hạnh một nghệ sĩ tranh thêu giải thích.
Chụp hình cho bé bên giàn hoa.
Nhiều du khách khi rời Đà Lạt thường mang theo những bó hồng, ly, cẩm chướng hay chậu cảnh, hoa treo hoặc để bàn. Còn những người "săn hoa" ra về cùng những tấm hình hoa Đà Lạt trong máy ảnh, để mỗi lần ngắm nhìn, lại nhớ đến nụ cười của người Đà Lạt, những góc phố, con đường đã có dịp đi qua.
Bài và ảnh: Kim Dung