Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm 2017 là “tương đối cao”.
Ảnh minh họa.
Thảo luận về phát triển kinh tế xã hội trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm 2017 là “tương đối cao” và đề nghị xem xét điều chỉnh lại mục tiêu này.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), việc đặt ra những mục tiêu cao sẽ là động lực để cả hệ thống vươn xa, tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, đặt ra những mục tiêu quá tầm thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan và cũng không thể nói là vô hại.
Bởi theo ông Lộc, nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn trước có thể khẳng định rằng, việc đặt ra mục tiêu GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ luỵ như lạm phát, nợ công, nợ xấu mà cho tới nay chúng ta vẫn còn loay hoay chưa giải quyết xong”, ông Lộc nói và nhận định muốn bền vững “phải liệu cơm gắp mắm”. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6,5% theo ông Lộc sẽ là mục tiêu phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cũng cho rằng, trước tác động không thuận của tình hình thế giới, thách thức của những khó khăn, yếu kém nội tại trong nền kinh tế, nhất là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng và phải lường trước những ảnh hưởng xấu do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, thì việc chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% là điều “còn phân vân”.
Trong khi đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), năm 2016 có khả năng không đạt kế hoạch đặt ra là 6,7%. Đại biểu cho rằng, với dự báo tình hình trong năm 2017 sẽ tiếp tục có những khó khăn mà dự kiến Chính phủ vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% sẽ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đăng đàn giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm 2017 được đưa ra khi phân tích cả bối cảnh của thế giới và tình hình trong nước.
Ông Dũng cho hay, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn như vậy thì tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam đạt được 5,93% được cả chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định là tích cực.
“Các chuyên gia của ngân hàng thế giới cũng cho rằng như vậy nền kinh tế của Việt Nam đã ứng phó và chống chịu tốt hơn đối với các tác động từ bên ngoài và những khó khăn trong nước”, ông Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Dũng, mục tiêu của năm 2017 phấn đấu đạt khoảng 6,7%, được cho là cao nhưng “có lý do để phấn đấu”.
Cụ thể, ông Dũng cho biết: Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp căn cơ, nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Nông nghiệp dự kiến có phục hồi tốt do hiệu quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng tốt, sẽ có đóng góp tốt hơn vào trong tăng trưởng chung của GDP.
Tiếp đến, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động đang có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016…
Ông Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu quan trọng của đất nước. Tăng trưởng đồng nghĩa với việc giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trong thời gian tới tăng trưởng vẫn dựa vào vốn đầu tư một phần là chủ yếu và việc giảm nhanh vốn đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thì hạn hẹp nên việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công cũng như huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài, cũng như từ khu vực tư nhân là hết sức cần thiết và phải được chú trọng trong thời gian tới, ông Dũng nói.
N.Mạnh / BizLIVE