Nhiều kiến nghị sẽ được ngành dệt may nêu ra tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa được tổ chức, trong đó, có điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển ngành cho phù hợp với tình hình mới.
Ngành dệt may cần có Quy hoạch mới, bởi so với những mục tiêu đưa ra trong Quyết định số 2318/QĐ-BCT ngày 11/4/2014, Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dệt may đến 2020 định hướng đến 2030, thì đã có mục tiêu bị lỗi thời. Quy hoạch phê duyệt tháng 4/2014, nhưng kết quả xuất khẩu ngành làm được chỉ sau đúng 1 năm đã vượt trước cả mục tiêu đặt ra.
Theo quy hoạch này, đến năm 2020, ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 23 - 24 tỷ USD, đến năm 2020 đạt 36 - 38 tỷ USD. Tuy nhiên, hết năm 2015, toàn ngành đã xuất khẩu được 27,5 tỷ USD. Đầu tư của các thành phần doanh nghiệp trong ngành đang gia tăng rất mạnh mẽ để tận dụng các cơ hội về thị trường đang mở ra từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia (TPP, EVFTA, VKFTA).
Quy mô phát triển của ngành dệt may Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh
“Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn, trước mắt là đến năm 2020, trung hạn 2020 - 2030 và dài hạn từ 2030 - 2040, để dệt may phát triển kịp với quá trình hội nhập của đất nước”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay.
Quy mô phát triển của ngành dệt may Việt Nam đã “phình” ra đáng kể trong những năm gần đây. Ngoài nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước, dệt may đã kéo được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn chưa từng thấy.
Vitas cũng cho biết, với tốc độ đầu tư hiện tại, mục tiêu của ngành sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu lên 45 - 50 tỷ USD vào năm 2020, chứ không dừng ở 36 - 38 tỷ USD như Quy hoạch hiện thời.
Theo số liệu ước tính của Vitas, cả giai đoạn 1988 - 2012, toàn ngành dệt may thu hút được 1.551 dự án FDI, trong đó có 1.193 dự án may, 358 dự án sợi dệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Dưới tác động của các FTA, vốn FDI đang đổ dồn vào Việt Nam, nhất là ngành dệt may. Các doanh nghiệp FDI đã mang tới Việt Nam 2 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2015.
Vốn đầu tư từ nguồn lực tại chỗ và khu vực FDI đã tác động tăng quy mô ngành, trực tiếp làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 24 tỷ USD đã tăng lên 27,5 tỷ USD vào năm 2015 và dự kiến tăng lên 31 tỷ USD vào cuối năm 2016.
Ông Giang cho biết thêm, Việt Nam có 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ngoài nhóm sản phẩm chủ lực luôn dẫn đầu là may mặc, với giá trị xuất khẩu 22 tỷ USD năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu sợi các loại với giá trị trên 3 tỷ USD/năm. Xuất khẩu vải các loại hơn 1 tỷ USD/năm; phụ liệu như chỉ, bao bì, khóa… 500 triệu USD/năm; vải địa kỹ thuật cho làm đường, vải mành để làm lốp ô tô khoảng 400 triệu USD/năm...
Bên cạnh quy mô sản xuất tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu vượt xa mục tiêu trong Quy hoạch, ngành dệt may vẫn còn những tồn tại chưa khắc phục được, hoặc khắc phục chậm. Những tồn tại này cần phải được tháo gỡ và cụ thể hóa càng nhanh càng tốt để phát triển bền vững hơn.
Một trong những vấn đề được Vitas kiến nghị là Chính phủ cần có chính sách thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực mà ngành đang thiếu, như các dự án sản xuất sợi cao cấp và dệt nhuộm hoàn tất.
Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào mảng nguyên liệu trường vốn này, Vitas kiến nghị Chính phủ quy hoạch các khu công nghiệp hoặc các khu kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó có KCN dệt may.
Những năm qua, dù đã kiến nghị nhiều, nhưng dệt may vẫn chưa có các KCN chuyên ngành để hút đầu tư vào dệt nhuộm, thành thử mức chi nhập khẩu vải, sợi chất lượng cao phục vụ làm hàng xuất khẩu vẫn cao, với giá trị nhập khẩu vải, sợi, phụ liệu lên tới 15 tỷ USD trong năm 2015.
Một vấn đề khác cũng được ông Giang đề cập, đó là cùng với sự phát triển các KCN, KKT, Chính phủ cần đầu tư hạ tầng giao thông, tạo sức hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu này, làm sao để vận chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.
Bên cạnh đó, một tiêu chuẩn rất quan trọng của hàng dệt may xuất khẩu, đang được khách hàng và đầu mối buôn hàng quan tâm, đó là chất lượng nhà xưởng và nguồn gốc xơ, sợi, dệt, nhuộm hoàn tất.
Để đạt được yếu tố này, Vitas kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm môi trường xanh, sạch cho người dân và cũng là bảo đảm cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước được đón nhận.
Thế Hải / baodautu.vn