Xu hướng quay trở lại sử dụng mỹ phẩm từ thiên nhiên của người Việt khiến thị trường mỹ phẩm tỷ USD tiếp tục sôi động.
Từng bước tìm lại vị trí
Sau lần rụng tóc, Phạm Linh Đan, 30 tuổi là dân copywrite (viết bài quảng cáo) 10 năm nay, quyết định chỉ dùng những loại dầu gội được chiết xuất từ thiên nhiên. Trong đó, sản phẩm dầu gội Nashi, hỗn hợp chất hữu cơ organic chiết xuất tinh dầu cây Argan và hạt lanh chống lão hoá cho tóc, có xuất xứ từ Ý được cô tin dùng.
Giờ đây, không chỉ với dầu gội, mà với cả sữa rửa mặt, sữa dưỡng ẩm, mặt nạ, kem chống nắng, phấn nền, phấn mắt, son môi, phấn má hồng, nước hoa, Đan đều tìm đến các sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên. Cô cũng tìm mua cho con gái 2 tuổi của mình những dòng sản phẩm từ thiên nhiên gồm phấn rôm, sữa tắm, dầu gội.
Dự báo, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam năm nay có thể đạt 3-4 tỷ USD do nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên nhập khẩu tăng cao. |
“Những thành phần tự nhiên đảm bảo không gây ra tác dụng phụ, không gây kích ứng da… Do đó, giá các sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên thường cao hơn 20-30% so với mỹ phẩm sử dụng hoá chất độc hại”, Đan nói và cho biết, giờ đây, khi mua bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào, cô cũng có thói quen tìm hiểu các thành phần có trong sản phẩm đó.
Theo bà Huỳnh Bích Trân, Phó giám đốc dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, nghiên cứu thị trường mỹ phẩm từ thiên nhiên tại 6 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gồm Việt Nam) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam rất hứng thú tìm kiếm các sản phẩm cải tiến trên thị trường, với 88% có nhu cầu mua sản phẩm mới, cao nhất trong khu vực, trong đó có các dòng sản phẩm cao cấp đến từ thiên nhiên, organic.
Theo số liệu khảo sát thị trường mỹ phẩm, người Việt chi tiền cho mỹ phẩm trung bình khoảng 4 USD/người/năm. Riêng phụ nữ Việt chi tiêu trung bình khoảng 140.000 đồng/tháng cho mỹ phẩm, với 2 hình thức tìm kiếm thông tin để mua bán mỹ phẩm chính là từ bạn bè (70%) và website (58%).
Giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam năm 2011 chỉ đạt 500 triệu USD, nhưng đã tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2016 (theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC). Dự báo năm nay, con số này có thể đạt 3-4 tỷ USD do nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên của nước ngoài tăng cao. Tiềm năng này cộng với xu hướng sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên đã khiến thị trường mỹ phẩm Việt Nam tiếp tục sôi động.
Cuộc chơi không chỉ của doanh nghiệp ngoại
Với tốc độ tăng trưởng 30%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã thu hút hầu hết các “đại gia” mỹ phẩm toàn cầu như: L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo, The Body Shop, The Faceshop, Shiseido, Yves Rocher, L’Occitane, Clarins, Pureté By Prôvence… Họ đều đồng loạt tung ra các dòng mỹ phẩm, dầu gội và dầu dưỡng tóc có chứa Vitamin C và E từ thiên nhiên.
Trong xu thế chung, các tập đoàn đa quốc gia (đang có nhà máy tại Việt Nam) như Unilever, Kao, P&G… cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên của Việt Nam như bồ kết, chè xanh, dưa leo, nghệ, tảo biển, lô hội, mật ong, bưởi, oải hương, cám gạo, gạo lứt…
Thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam giờ đây không chỉ là “cuộc chơi” riêng của doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội cũng đang tận dụng thời cơ để giành thị phần tại phân khúc mỹ phẩm thiên nhiên, organic. Có thể kể đến những nhãn hiệu quen thuộc như Miss Saigon, Fresh (của Mỹ phẩm Sài Gòn), Thorakao (của Mỹ phẩm Lan Hảo), Thái Dương (của Sao Thái Dương), La na, E 100 (của Đại Việt Hương)…
Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho biết, 2 năm nay, Công ty nghiên cứu và tung ra thị trường các dòng sản phẩm nghiêng về thiên nhiên nhiều hơn. Mặc dù SCC có dòng sản phẩm dầu gội bồ kết (Fresh) từ những năm 80, nhưng phải phát triển thêm các dòng sản phẩm được chiết xuất từ tinh dầu bưởi, lá neem (Ấn Độ). Hiện các sản phẩm thiên nhiên của hai nhóm nước hoa và dầu gội chiếm hơn 30% doanh thu của SCC.
Với các dòng sản phẩm truyền thống như dầu gội bồ kết, SCC phải bắt tay với đối tác ngoại để thiết kế lại kiểu dáng bao bì, đáp ứng thị hiếu của người dùng. Còn với các dòng sản phẩm mới như lá neem và dầu bưởi, SCC đang kết hợp với một số công ty nước ngoài nghiên cứu sản phẩm ở phân khúc tiệm trung cấp (trên bình dân).
“SCC đang đi cùng xu hướng với các đối thủ trong và ngoài nước, nhưng tốc độ nghiên cứu sản phẩm hơi chậm so với các đối thủ khác, nên chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. Mục tiêu năm nay là nâng lên 3% thị phần”, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, SCC cũng đầu tư hệ thống bán lẻ riêng, như Hoarient chuyên bán lẻ nước hoa của SCC đã có tại Lotte Center Hà Nội. Cách đây 10 năm, để tiến lên phân khúc cao cấp, SCC cũng đầu tư chuỗi cửa hàng C Perfume nhằm xây dựng hệ thống bán hàng tiến ra thị trường miền Bắc. Đặc biệt, với SC Perfume, SCC muốn nhắm đến những sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập.
Còn Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) có điểm mạnh là các sản phẩm từ cây cỏ thiên nhiên như: lô hội, sả, nghệ, bưởi, bồ kết. Các sản phẩm này được ưa chuộng tại thị trường nông thôn một phần do mức giá bán khá hợp túi tiền. Không cạnh tranh rầm rộ trong nước, Thorakao tập trung cho thị trường xuất khẩu sang Ả rập, Australia, Mỹ, Pháp, châu Phi.
Cũng theo xu hướng này, gần đây, trên thị trường xuất hiện một vài thương hiệu mỹ phẩm nội địa như Công ty Sao Thái Dương phủ sóng khá nhiều kênh truyền thông với sản phẩm dầu gội Thái Dương và bộ mỹ phẩm Tây Thi; hay một thương hiệu cũng đang chịu khó làm marketing mạnh là Sắc Ngọc Khang của Công ty Hoa Thiên Phú.
Đến nhà phân phối
Mới gia nhập thị trường Việt Nam được hơn 1 năm, nhưng chuỗi cửa hàng tiện ích, phụ kiện thời trang mang phong cách Hàn Quốc Ilahui đã có mặt tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 37 cửa hàng. Ilahui là sự kết hợp của mô hình tạp hóa, quà tặng, văn phòng phẩm, cửa hàng phụ kiện thời trang, siêu thị do Công ty V.I.C Retail nhận nhượng quyền đưa về sau khi có mặt tại Dubai (UAE), Philippines, Trung Quốc, Thái Lan…
Trong năm nay, Ilahui sẽ mở lên khoảng 50 cửa hàng và năm sau sẽ có mặt ở 63 tỉnh, thành phố. Bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao, Giám đốc thương hiệu iLahui Việt Nam cho biết, cùng với việc gia tăng độ phủ sóng của cửa hàng, Ilahui sẽ đưa một số dòng sản phẩm tự nhiên, organic của các thương hiệu nước ngoài về Việt Nam để nắm bắt xu hướng tiêu dùng.
Với tốc độ tăng trưởng 30%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã thu hút hầu hết các “đại gia” mỹ phẩm toàn cầu như: L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo... |
Dự kiến tháng 4/2018, Ilahui sẽ đưa về Việt Nam đủ chủng loại nhóm ngành, từ mỹ phẩm trang điểm đến mỹ phẩm chăm sóc da, tóc, phục vụ đa dạng đối tượng là nam giới, phụ nữ, trẻ em. Giá bán các dòng sản phẩm này dao động từ 200.000 đến 1 triệu đồng. “Năm 2018, xu hướng của Ilahui là tập trung phân phối các sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm organic”, bà Giao nói.
Trên thị trường còn hình thành hệ thống cửa hàng phân phối chuyên biệt, trong đó, LaBambi được coi là hệ thống phân phối mỹ phẩm thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam ra đời cách đây mấy tháng. TheHerbalCup, Skinna, SheaGhana, Myin, Karose và Mỹ phẩm xanh Bambi là 6 thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên đình đám từ Nam ra Bắc đã “hội tụ” tại LaBambi.
Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, mỹ phẩm thiên nhiên là hướng đi mới để bắt kịp thị trường. Trong kế hoạch đưa các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên, organic về Việt Nam qua chuỗi Ilahui, bà Giao cho biết, có thể kết hợp cả thương hiệu mỹ phẩm trong nước nếu nhãn hiệu đó thực sự nổi bật. Các nhãn hiệu Việt Nam thường chưa có hình ảnh bao bì tốt, marketing yếu, nên khi đưa sản phẩm vào chuỗi, sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để tiếp cận thị trường. Còn nhãn nước ngoài có sự đầu tư bài bản về hình ảnh, nhãn hiệu, nên có thể sử dụng ngay để tiếp cận khách hàng.
Ngoài ra, “nút thắt” về nguyên liệu cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước cần phải tính toán rất kỹ khi xoay sang thị trường ngách này. Hiện nay, dược liệu được bán với giá rất cao, chất lượng không ổn định. Nguồn cung không có tính cạnh tranh, nhiều vùng trồng dược liệu không tuân thủ bất cứ tiêu chuẩn nào, chỉ chạy theo năng suất và giảm giá thành, dẫn đến chất lượng dược liệu tốt xấu lẫn lộn.
Do vậy, để chiếm được thị phần và cạnh tranh được với các ông lớn nhiều lợi thế, ngoài việc thay đổi mẫu mã, bao bì bắt mắt và có hệ thống phân phối chuyên biệt, đa dạng, thì các thương hiệu trong nước còn phải sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào.
Anh Hoa / baodautu