Thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với mức tăng trưởng 2 chữ số trong nhiều năm liên tục và đạt doanh số tiêu thụ 1,2 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên, trong số này, doanh thu của các hãng mỹ phẩm nội địa chỉ chiếm 10%, số còn lại vẫn rơi vào tay các thương hiệu nước ngoài.
90% doanh thu của thị trường mỹ phẩm hiện rơi vào các thương hiệu nước ngoài
Theo Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam, trong năm 2016, doanh thu ngành mỹ phẩm Việt Nam đã đạt trên 26 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD). Dự báo, tầng lớp trung lưu là những đối tượng có nhu cầu làm đẹp cao sẽ tăng gấp đôi lên đến 33 triệu người vào năm 2020 và sẽ là những đối tượng tiềm năng của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam - cho biết, hiện thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với thời điểm năm 2010 bởi người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chú trọng vào làm đẹp. Với xu thế này, các công ty trong nước như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Việt Hương… đã tăng đầu tư, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên sản phẩm vẫn chỉ quanh quẩn ở phân khúc bình dân, phân khúc cao cấp là sân chơi riêng của nước ngoài.
Thị trường mỹ phẩm đang có 400 doanh nghiệp hoạt động, trong số này có 100 doanh nghiệp nước ngoài song họ lại chiếm tới 90% doanh thu toàn ngành. Đây là một thách thức không nhỏ cho các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam. |
Thừa nhận thực tế này, bà Lý Nguyễn Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn - cho biết, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức từ 0 - 5%.
Tiềm năng là vậy nhưng do các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế về công nghệ, cũng như tiềm lực tài chính thị trường mỹ phẩm Việt Nam bị chi phối nhiều bởi những thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài. Ngay cả thương hiệu có bề dày 40 năm như Mỹ phẩm Sài Gòn hiện nay vẫn chỉ loay hoay ở phân khúc trung bình khá và tập trung thị phần lớn tại các địa phương.
Đồng quan điểm, bà Phan Nga, Giám đốc phát triển các nhãn hàng Công ty Phạm Phan Trading cho hay, doanh nghiệp Việt đang gặp trở ngại lớn khi đưa sản phẩm tới người tiêu dùng vì mẫu mã sản phẩm không đa dạng, bao bì chưa bắt mắt nên dù có sản phẩm tốt, sản phẩm đặc trưng thì vẫn chưa đủ để thu hút khách hàng.
Để thương hiệu Việt có chỗ đứng và không bị lấn át ngay trên sân nhà, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, thì các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước cần phải không ngừng đổi mới sáng tạo và có 1 lối đi riêng.
Còn theo ông Mattieu Rochette - Schneider, Tổng giám đốc Centdegres, xu hướng người tiêu dùng luôn tìm đến những sản phẩm có cá tính riêng nên các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa nét đặc trưng trong văn hóa vào sản phẩm. Khi thực hiện tốt bước đi này chắc chắn khách hàng sẽ có thiện cảm và tìm đến sản phẩm của Việt Nam.
Thùy Dương / baocongthuong