Đầu năm 2015 các thầy phong thủy nhận định năm 2015 là năm đầy khó khăn của ngành thủy sản.
Ảnh minh họa.
Dĩ nhiên, khó khăn của một ngành nghề kinh doanh có thể do bản thân các vấn đề nội tại của nó, và lời phán của thầy phong thủy có thể được tin tưởng là đúng cũng có thể là không.
Đến nay, trải qua hơn 11 tháng của năm, những khó khăn của ngành đã lộ rõ, dự báo sẽ còn kéo dài qua đến năm 2016. Vậy phải chăng thủy sản Việt Nam gặp khó trong năm 2015 là vì phong thủy?
Đầu năm 2015, Master Lynn Yap - Thầy phong thủy nổi tiếng, Chủ tịch Công tư tư vấn phong thủy 3P tại Singapore dự báo ngành thủy sản gặp khó vì phong vận, hướng gió, hướng khí, mạch nước năm Ất Mùi không có lợi cho các ngành hành thủy.
Năm Ất Mùi – Năm con dê Mộc, nạp Âm, hành Kim do Can “Ất” thuộc Mộc, Chi “Mùi” thuộc Thổ. 6 tháng đầu năm là Âm Mộc, 6 tháng cuối năm là Âm Thổ. Vì vậy các ngành hành thủy vừa bị “sinh xuất”, vừa bị “khắc chế” trong năm 2015. Điều này lý giải vì sao trong 5 nhóm ngành nghề xếp theo ngũ hành, ngành hành thủy gặp khó khăn nhất.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt hơn 6 tỷ USD, giảm đến 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ khó khăn với tôm do thừa cung trên thế giới và cạnh tranh gay gắt hơn, các nhóm mặt hàng chủ lực của ngành cũng sụt giảm 4,1% - 10,3% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam
Về phía doanh nghiệp, trước khó khăn chung của ngành nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được sự tăng trưởng doanh số xuất khẩu ở mức cao, thậm chí lên đến 70% -100% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng ngay cả những doanh nghiệp lớn, đứng đầu ngành có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản mạnh trong năm 2015 cũng gặp khó khăn, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với USD và điều chỉnh đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cạnh tranh với các đối thủ.
Hẵn nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam theo hướng giảm giá VND sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng với các doanh nghiệp thủy sản lợi thế đó gần như không có.
Giá xuất khẩu vào các thị trường phải điều chỉnh tương ứng, chi phí tài chính tăng (do các doanh nghiệp vay USD). Thủy sản Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ trước, nhưng lợi nhuận giảm đến hơn 70% so với cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá.
Mặt khác, Mỹ, Nhật Bản, EU là 3 thị trường hàng đầu của doanh nghiệp thủy sản. Nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2015 qua 3 thị trường nói trên đồng loạt giảm lần lượt 24,8%; 17,1% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự giảm giá nội tệ của các nước đối thủ như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan khiến cho nông sản và thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới được xem là một lý khiến xuất khẩu vào 3 thị trường nói trên sụt giảm.
Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam
Trong khi đó, mặc dù trong năm 2015 Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn 1/2/2013 đến 31/1/2014 trung bình 0,91% thấp hơn kết quả sơ bộ (0,93%) và thấp hơn nhiều kết quả xem xét lần trước đó (POR8 là 6,37%) kỳ vọng tạo thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ.
Nhưng dư cung về tôm và cuộc đua tranh thị trường của các nhà xuất khẩu tôm đã đẩy các doanh nghiệp tôm rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan – lỗ do chạy đua theo giá tôm thế giới, hay lỗ do chi phí phát sinh từ việc “lưu trữ ở hàng tồn kho”.
Song song với khó khăn đến từ yếu tố khách quan, khó kiểm soát từ bên ngoài, các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với thách thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định, chi phí sản xuất cao do giá thức ăn, nguyên liệu, và nhân công tăng.
Rõ ràng, năm 2015, ngoài những khó khăn do vấn đề nội tại của ngành (dư cung tôm, hàng rào kỹ thuật từ vệ sinh an toàn thực phẩm), những cú sốc bất ngờ đến từ giá của đồng tiền khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sụt giảm mạnh phải chăng là do yếu tố phong thủy?
Bởi “đại phú do thiên, tiểu phú do cần” hay để kinh doanh thuận lợi phải “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
(Theo HỒNG QUÂN - BizLIVE)