Thị trường bán lẻ trong nước ước đạt 118 tỉ đô la Mỹ/năm - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Khép lại năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 2.670.500 tỉ đồng (tương đương khoảng 118 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,2% so với năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Kết quả doanh thu và mức tăng trưởng này được giới phân tích nhận định là khá cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực.
Đáng chú ý ,theo cơ quan thống kê, doanh số bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đến 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,4%; may mặc tăng 10,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,7%,... so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, rõ ràng thị trường bán lẻ trong nước đang tiếp tục tăng trưởng và có doanh số lớn hơn khá nhiều so với dự báo mà nhiều nhà bán lẻ và các công ty tư vấn quốc tế đưa ra trước đây.
Nối tiếp những năm trước, năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh cũng như thâu tóm hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ,... mà phần nổi trội vẫn nghiêng về các nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như Tập đoàn bán lẻ Central Group đã mua chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam của Casino (Pháp), đã công bố các kế hoạch đầu tư và kinh doanh dài hạn tại thị trường Việt Nam nhằm tăng gấp đối số lượng siêu thị, trung tâm thương mại Big C trong vòng 5 năm tới. Theo chiến lược của tập đoàn này, đến năm 2021 Central Group sẽ đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới để nâng gấp đôi đại siêu thị Big C so với con số hiện hữu là 34, đồng thời nâng cấp các điểm bán Big C hiện hữu trở thành các trung tâm thương mại (commercial complex) bán lẻ cao cấp, hiện đại.
Còn Tập đoàn TCC (Thái Lan), sau khi hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam của tập đoàn Metro đã cho đổi tên thành Công ty Mega Market Việt Nam và đang sử dụng thương hiệu MM Mega Market để kinh doanh. Cùng với đó là hàng loạt sự thay đổi về cơ cấu hàng… Giới kinh doanh cho rằng, nhà bán lẻ này về lâu dài sẽ ưu tiên dành nhiều diện tích hơn cho hàng hóa từ Thái Lan.
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác như Aeon, Auchan, Lotte,… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.
Đáng chú ý là mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi (mở cửa 24 giờ/ngày) đang phát triển rất nhanh ở nước ta hiện nay nhưng hầu như chỉ có doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, không có doanh nghiệp trong nước như các thương hiệu Circle K, Shop & Go, B’s mart, Family Mart, Ministop,... với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị mỗi thương hiệu.
Mô hình cửa hàng tiện lợi 24 giờ ở Việt Nam đang dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài -Ảnh minh họa: Hùng Lê
Có thông tin một nhà bán lẻ lớn trên thế giới theo mô hình này là 7-Eleven đang chuẩn bị bước chân vào thị trường trong nước. Họ đang lên kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng trong thời gian tới.
Theo giới phân tích doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm, tài chính và khả năng chịu đựng thua lỗ lâu dài, cuộc chiến này ngày càng khốc liệt, đẩy doanh nghiệp nội địa vào thế khó khăn.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ nội địa, dù thị trường cũng chứng kiến sự phát triển mạng lưới kinh doanh và đa dạng mô hình bán lẻ của Saigon Co.op, VinGroup, Satra,... nhưng lại rơi rụng dần những cái tên quen thuộc ngày nào; hay bị đổi chủ, teo tóp gắn với tên nước ngoài như Maximark, Citimart, Fivimart, ...
Các chuyên gia đánh giá các nhà bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm hơn doanh nghiệp trong nước, mang theo những trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng cùng cách phục vụ, truyền thông hiệu quả nên tạo được sự hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM công bố trước đây, lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất từng đạt 80-90% ở các kênh bán lẻ; thậm chí có những đơn vị đã coi hàng Việt Nam là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ vào năm ngoái tại một số hệ thống bán lẻ có yếu tố nước ngoài cho thấy tỷ lệ hàng ngoại đang chiếm đa số. Hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng không khó vào siêu thị của doanh nghiệp trong nước, nhưng lại gặp nhiều trở ngại khi muốn đưa vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì thị phần bán lẻ ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn...
Hùng Lê / TBKTSG