Năm 2015, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,943 triệu lượt, tăng 1% so với 2014.
Theo Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, năm 2016 khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Năm 2015, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,943 triệu lượt, tăng 1% so với 2014. Lượng khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 338.000 tỉ đồng. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2016 đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6% so với năm 2015 và 60 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 31 triệu lượt khách có lưu trú, tổng doanh thu 370.000 tỉ đồng.
Tâm điểm du lịch
Theo ông Siêu, năm qua nhiều biến động nhưng ngành du lịch vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng tốt. Qua khó khăn thấy được năng động, vươn lên của các doanh nghiệp du lịch. Nhiều sáng kiến, nỗ lực kết nối hiệu quả đến nhiều tỉnh thành. Khi Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống thì TP HCM sẽ thành tâm điểm giao thương không chỉ du lịch Đông Nam Á mà là một thành phố nổi bật trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên chắc chắn sẽ là năm sôi động do có nhiều sự khởi đầu của các chương trình, kế hoạch lớn. Đặc biệt, khi những nội dung Nghị quyết của Đại hội Đảng XII được vận hành thì nhiều địa phương vận dụng để phát triển.
Bước vào sân chơi chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN thì những cơ hội và thách thức đang mở ra đối với tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thị trường rộng mở, nguồn nhân lực dồi dào, với nền tảng là các cam kết, công ước quốc tế. Nhưng thách thức cũng không phải nhỏ phải đối mặt cạnh tranh, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạ tầng để phát triển du lịch.
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Cần một nhạc trưởng
Ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết ai cũng nói nhiều về sự phối hợp, liên kết nhưng trong thực tế giữa Tổng cục Du lịch, các sở du lịch, hiệp hội du lịch địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch hợp tác hết sức lỏng lẻo, chưa tiến tới liên kết vùng. Ngành du lịch đã đưa ra nhiều chương trình quảng bá xúc tiến nhưng còn quá chậm và khi các hãng lữ hành đưa khách đến thì sản phẩm nơi đó không hấp dẫn, còn trùng lắp giữa các địa phương. Vào Cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thua ngay trên sân nhà. Ngành du lịch nên có những buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về các vấn đề này để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc định hướng hoạt động.
Môi trường kinh doanh chưa thật sự lành mạnh, nhiều công ty không giấy phép hoạt động núp bóng tinh vi gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc. Cần có biện pháp chế tài mạnh hơn để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Ông Lại Minh Duy - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch TST, Trưởng Ban Đối ngoại Hiệp hội Du lịch TP HCM - cho biết vào Cộng đồng ASEAN, ngành du lịch nên phối hợp với các trường đào tạo nguồn nhân lực, nếu không các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài. Giá thành sản phẩm du lịch Việt Nam còn cao so với khu vực nên không giữ được khách cũ. Sản phẩm du lịch có định hướng nhưng chưa rõ ràng, cần phải có những sản phẩm điểm nhấn cho từng vùng, tạo sự khác biệt.
Chiến lược quảng bá du lịch chưa đồng bộ, các nhà cung ứng còn thiên về phục vụ cho thị trường nội địa hơn là nhắm đến du khách quốc tế. Do chưa định vị được thời điểm cao và thấp điểm trong năm nên việc điều phối giá chưa phù hợp, các đơn vị nên hợp tác xây dựng kế hoạch về giá. Trong những năm khó khăn, Chính phủ đã từng giảm thuế GTGT cho các hãng lữ hành. Gia nhập ASEAN với nhiều khó khăn cho ngành du lịch khi phải cạnh tranh không cân sức với các đối thủ lớn nên cần tiếp sức từ nhà nước như miễn giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp du lịch.
Theo XUÂN HÒA / nld.com.vn