Tốc độ xuất khẩu năm 2016, và cả năm 2017 (dự kiến tăng 6-7%) so với các năm trước giảm mạnh và khó cán đích, nhưng so sánh với các nước trên thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Báo cáo tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến năm 2017 vào ngày hôm nay (7/10/2016) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,3-6,5%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,18-2,04%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,06-8,13%; dịch vụ tăng 6,79-6,87%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đào Quang Thu giải thích, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%) chủ yếu do hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung.
“Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm sự giảm sụt sản lượng công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu tăng trưởng của 2 ngành này (nông nghiệp và khai khoáng) bằng cùng kỳ năm 2015 thì tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,74%, vượt kế hoạch đề ra”, ông Thu nói thêm.
Trên cơ sở đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ông Thu cho biết, trong số 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng xuât khẩu đạt 6-7% (mục tiêu 10%).
Đánh giá chung về tốc độ phát triển của nền kinh tế trong những tháng đầu năm, ông Thu cho rằng, chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư theo chiều rộng với 2 yếu tố là vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFT) đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm từ 36,2% GDP năm 2015 xuống còn 34,4% năm 2016. Việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất, lao động xã hội đạt thấp so với nhều nước trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu về bội chi và nợ công, nợ chính phủ. Nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu thì cuối năm 2016, bội chi và nợ công có thể cao hơn mức dự kiến.
“Tốc độ tăng trưởng GDP khó có thể đạt mục tiêu, còn có nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu chính phủ rất chậm, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Huỳnh Quang Hải bổ sung và cho biết thêm, trong 9 tháng đầu năm nay giải ngân vốn đầu tư từ NSNN mới đạt 54,5% kế hoạch, còn vốn trái phiếu chính phủ mới đạt 38,8% kế hoạch.
“Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu chính phủ. Với tình hình như hiện nay, nếu không thực sự quyết tâm thì khó có thể hoàn thành mục tiêu. Trong trường hợp không giải ngân hết nguồn vốn này sẽ tác động ngay tới tốc độ tăng trưởng GDP và các cán cân kinh tế vĩ mô khác cũng như giải quyết công ăn việc làm”, ông Hải lo ngại.
GDP không đạt mục tiêu tác động ngay tới 2 cán cân kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng là bội chi và nợ công, nợ chính phủ.
“Mức bội chi năm nay được Quốc hội cho phép là 4,95% GDP, tương đương với 254.000 tỷ đồng. Nếu GDP tăng 6,7% theo đúng kế hoạch thì quy mô của GDP năm nay ước tính vào khoảng 5,1 triệu tỷ đồng. Nhưng nếu GDP chỉ tăng khoảng 6,3-6,5% như dự kiến thì quy mô GDP chỉ còn khoảng 4,6 triệu tỷ đồng nên cho dù mức bội chi tuyệt đối vẫn giữ ở con số 254.000 tỷ đồng thì tỷ lệ bội chi/GDP chắc chắn sẽ tăng lên, đấy là chưa kể GDP không đạt 6,3-6,5% GDP. Đối với nợ công cũng tương tự, cho dù số tuyệt đối không tăng nhưng tỷ lệ tương đối vẫn sẽ tăng”, ông Hải phân tích.
Ông Hải cho biết, năm 2017, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ thắt chặt tối đa mọi khoản chi, đặc biệt là các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, hiệu quả kém thì nợ công năm 2017 cũng phải lên mức 64,8% GDP tức là sát mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP và bội chi cũng phải ở mức 4,7% GDP (theo cách tính hiện nay và 3,5% GDP theo cách tính mới). Mức bội chi và nợ công này đặt trong điều kiện lý tưởng là GDP năm 2007 tăng 6,7% như dự kiến, còn nếu GDP không tăng 6,7% thì tỷ lệ bội chi và nợ công sẽ cao hơn.
Giải thích về khả năng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay dự kiến chỉ tăng 6-7%, thấp hơn kế hoạch là 10%, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân là kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng rất chậm, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc -thị trường vô cùng quan trọng với Việt Nam, cộng thêm với giá dầu thô, nông sản xuất khẩu giảm (giảm tương ứng 5,8% và 29,6%).
Tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm và cả năm 2007, theo ông Đỗ Thắng Hải cũng rất khó khăn, ngoài giá dầu thô biến động rất khó lường, còn do Trung Quốc dựng hàng rào với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam (đặc biệt là mặt hàng gạo) và các doanh nghiệp Hoa Kỳ liên tục kiện Việt Nam bán phá giá.
Tốc độ xuất khẩu năm 2016, và cả năm 2017 (năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-7%) so với các năm trước có thể coi là ảm đạm, nhưng so sánh với các nước trên thế giới, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
“Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc - cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới - giảm 6,7%; Ấn Độ giảm 4,5%; Indonesia giảm 10,6%; Hàn quốc tăng trưởng âm 8,8%; Singapore giảm 8,2%... Hầu hết các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong 9 tháng đầu năm nay đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu âm, ngoại trừ Nhật Bản tăng 0,2%”, ông Đỗ Thắng Hải mình chứng cho nỗ lực của ngành công thương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cho dù không đạt mục tiêu đặt ra.
Mạnh Bôn / baodautu