Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính trong năm 2016 vừa qua, thị trường Việt Nam đã chi khoảng 2,322 tỉ USD cho việc nhập khẩu ôtô, trong đó, riêng tháng 12 vừa qua, lượng xe nhập khẩu tăng mạnh, đáp ứng mùa bán hàng cuối năm.
Cụ thể, trong tháng 12/2016, ước tính có khoảng 16.000 xe được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam, cao nhất kể từ đầu năm, với giá trị ước tính khoảng 227 triệu USD.
Mặc dù giá trị nhập khẩu cao nhưng các mẫu xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 12 vừa qua đều là các mẫu xe nhỏ, có giá trị thấp; trung bình mỗi chiếc xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 12/2016 có giá trị 14.190 USD, thấp hơn hẳn so với tháng 10 và tháng 11 trước đó (với giá trị xe nhập khẩu trung bình lần lượt là 18.000 USD và 15.833 USD).
Như vậy, trong cả năm 2016, ước tính thị trường ôtô Việt Nam đã chi 2,322 tỉ USD, đưa về khoảng 115.000 xe ôtô nguyên chiếc, tăng khoảng 25% so với năm ngoái (khoảng 91.500 xe). Trong khi đó, tính cả năm 2016, thị trường Việt Nam đã bỏ ra 1,4 tỉ USD để nhập khẩu các phương tiện vận tải khác và phụ tùng kèm theo.
Cũng trong số liệu của Tổng cục Thống kê, 45 triệu USD là số tiền thị trường Việt Nam dành cho việc nhập khẩu xe máy và linh/phụ kiện kèm theo trong tháng 12, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm lên 424 triệu USD, tăng khoảng 20% so với năm 2017.
Dự báo về ngành kinh doanh và sản xuất ôtô trong năm 2017 này là nhu cầu nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc (bao gồm cả xe mới và xe cũ) sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt đối với mặt hàng xe mới, khi đã có khá nhiều thương hiệu đang lắp ráp trong nước sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, như Toyota Fortuner, Honda Civic, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport..., bên cạnh toàn bộ phân khúc xe bán tải ở Việt Nam đã được nhập khẩu từ Thái Lan.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cho rằng việc kinh doanh nhập khẩu ôtô trong năm 2017 tới đây sẽ có rất nhiều khó khăn do các cơ quan quản lí sẽ siết chặt các quy định về nhập khẩu, thông quan, trách nhiệm nghĩa vụ thuế..., sau những vụ việc xảy ra cuối năm 2016 và sẽ kéo dài sang năm 2017 với những quyết định truy thu thuế lên đến gần 1.000 tỉ đồng (thậm chí nhà phân phối BMW tại Việt Nam cũng đã chính thức bị khởi tố do hành vi gian lận thuế, lừa đảo khách hàng). Chính vì vậy, cũng đã có nhiều nhà nhập khẩu chính thức ôtô tại Việt Nam đưa ra các kiến nghị để có những phương án giữ cho thị trường ôtô Việt Nam duy trì được sự minh bạch, bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Đại diện nhà phân phối Audi tại Việt Nam - ông Trần Tấn Trung đã kiến nghị đưa ra giải pháp giám sát công bố của các nhà nhập khẩu về phụ tùng và linh kiện xe nhập khẩu, từ đó có thể áp giá tính thuế nhập khẩu một cách công bằng và chính xác. Ông Trung cho biết, việc yêu cầu cung cấp tài liệu thông số kỹ thuật xe (Vehicle Data) trong đó liệt kê mọi chi tiết ảnh hưởng đến giá trị xe nhập khẩu (linh kiện, phụ tùng, trang bị đã được nhà máy sản xuất lắp rắp), đi kèm với đó là số nhận dạng xe (số VIN) đối với mỗi mẫu xe nhập khẩu, để trên cơ sở đó, cơ quan Hải quan có có thể giám sát nhà nhập khẩu và áp thuế chính xác, theo các đơn giá đã công bố của nhà sản xuất.
Đề xuất này cũng đã nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan hữu quan khi ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa Xuất nhập khẩu thương mại - Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan Hải Quan đã áp dụng các giải pháp nêu trên và đề nghị các hãng ôtô cập nhật thường xuyên, thậm chí là hàng tháng, biểu giá mọi linh kiện, phụ tùng chính hãng, để đưa vào cơ sở dữ liệu tính thuế.
Như Phúc / dantri