Nếu không giảm thuế linh kiện, giá xe ô tô lắp ráp trong nước có thể sẽ cao hơn khoảng 20% xe nhập khẩu từ các nước ASEAN nếu thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực này về 0% vào năm 2018.
Phân tích này vừa được nêu ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Cụ thể, theo phân tích của nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy được nêu ra tại Diễn đàn thường niên này thì những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô nên các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, đặc biệt thuế linh kiện.
Do đó, chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan và Indonesia.
Chênh lệch chi phí sản xuất có thể sẽ lên đến 20% sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN có hiệu lực và lúc này, các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực sẽ được miễn thuế.
Do đó, các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn nếu phải tiếp tục sản xuất trong nước khi nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí sẽ\ được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 đã có sự tăng trưởng đáng chú ý về quy mô. Theo thống kê số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 10, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 10 tháng qua đã lên đến con số trên 242.000 xe.
Với mức tiêu thụ này, lượng xe tại thị trường Việt Nam đã gần bằng với lượng xe bán ra của năm ngoái và tăng tới 30% so với cùng kì năm 2015. Theo dự đoán, thị trường ô tô trong nước có thể cượt mốc 300.000 xe trong năm nay và tăng 22% so với năm ngoái.
Mặc dù đạt được mức tăng trưởng đáng kể nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ và ngành công nghiệp ô tô lại không mấy sáng sủa. Theo thống kê, thị trường Việt hiện có 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với hơn 40 thương hiệu tại Việt Nam.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô lại chưa đáp ứng được sự mong đợi. Cụ thể, công suất toàn thị trường vào khoảng 500.000 xe/năm. Hiện, tỷ lệ xe ô tô sản xuất nội địa chiếm khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành.
Tuy nhiên, con số được nêu ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là công suất sử dụng thực tế nói chung của Việt Nam lại chỉ đạt khoảng 45% tổng công suất thiết kế. Việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại thậm chí đặc dấu hỏi đối với khá năng đầu tư mới trong tương lai.
Từ thực tiễn này, VBF đã đưa ra đề xuất loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được để tăng sức cạnh tranh về giá cho các sản phẩm được sản xuất trong nước.
Cùng đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cũng đề xuất 2 bộ Tài chính và Công thương đưa ra hàng loạt ưu đãi nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trong đó, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) theo hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam – Nhật Bản về 0% từ 2018.
Cùng với việc nới lỏng thuế linh kiện để tạo điều kiện cho xe lắp ráp, VBF cũng đề xuất các cơ quan quản lý làm rõ nội dung và yêu cầu khuyến khích sản xuất được đề cạp đến trong Quyết định cúa Chính phủ về phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam (theo Quyết định số 229 QD-TTg cúa Chính phủ ban hành ngày 4/2/2016) bởi cho rằng chính sách này vẫn còn chung chung và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị các đề xuất dự án có thể được hưởng ưu đãi từ chính sách mới. Đồng thời ban hành các chính sách hấp dẫn có liên quan đến đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô.
Theo Phúc Vinh
ICTnews