Nhiều tín hiệu và yếu tố cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục tích cực.
Hoạt động tại Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Tín hiệu vui đầu năm
Cũng như năm ngoái, Nghệ An đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng đầu năm, khi vừa chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Tập đoàn Goertek.
Nhà đầu tư này vào cuối năm 2020 đã quyết định đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Đầu năm 2021, Dự án đã chính thức được khởi công xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động giữa năm nay.
Dù nhà máy chưa đi vào hoạt động, song để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Goertek - đang có một nhà máy quy mô 260 triệu USD ở Bắc Ninh, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử, trong đó có tai nghe Airpods cho Apple - đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án ở Nghệ An lên nửa tỷ USD.
“Việc Tập đoàn Goertek quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, với vốn đầu tư tăng lên gấp 5 lần so với ban đầu, đã tiếp tục minh chứng cho quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Chỉ cách đây ít ngày, vào những ngày làm việc cuối cùng của năm 2021, Nghệ An cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Excel Smart Global Limited (Samoa) để triển khai xây dựng Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, với vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD.
Một dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ được cấp chứng nhận đầu tư ngay trong những ngày đầu năm mới, có thể nói, đã mang lại những tín hiệu vui cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022, sau khi đã có một năm 2021 khá thành công, với trên 31,15 tỷ USD vốn cam kết.
Không rộn ràng như Nghệ An, nhưng Bắc Giang cũng vừa cấp chứng nhận đầu tư cho một số dự án. Trong số đó, có dự án của nhà đầu tư Zhengzhou Boruikate Tools Co. Ltd, cũng như của Công ty cổ phần FUSHINI Việt Nam. Đặc biệt, Công ty cổ phần Bất động sản Capella cũng đã nhận chứng nhận đầu tư để triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư, quy mô 377 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng. Dự án này là sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón những dự án đầu tư tiếp theo đổ vào Bắc Giang. Trong 2-3 năm gần đây, Bắc Giang đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư của các tỉnh phía Bắc, khi liên tiếp đón các dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đầu năm ngoái, sau khi quyết định đầu tư 270 triệu USD để xây nhà máy chuyên sản xuất Macbook và iPad cho Apple tại Bắc Giang, ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Foxconn tại Việt Nam đã nhắc đến kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kế hoạch này đang chậm lại. Nếu các kế hoạch được tiếp tục, thì sẽ hứa hẹn có thêm những dự án khác của Foxconn được đầu tư tại Việt Nam trong nay mai.
Cơ hội cho sự tăng tốc
Bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm trước. Bước sang năm 2022, tình hình còn khả quan hơn.
Thậm chí, rất lạc quan, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn dự báo rằng, năm 2022, Việt Nam có thể thu hút được 40 tỷ USD vốn đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện.
Năm 2022, Việt Nam có thể thu hút được 40 tỷ USD vốn đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện..
Có nhiều lý do để GS-TSKH Nguyễn Mại tin vào điều này. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký, sự hồi phục của nền kinh tế, việc các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn sẽ là những “cú hích” quan trọng cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng cho biết, rất nhiều nhà đầu tư Đài Loan chỉ chờ Việt Nam mở cửa trở lại các đường bay quốc tế là sẽ đến để tìm hiểu và ra các quyết định đầu tư mới.
“Với các nhà đầu tư Đài Loan, Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng”, ông Lê Tuấn nói.
Không chỉ các nhà đầu tư Đài Loan, mà các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã luôn khẳng định điều này và đang sẵn sàng các kế hoạch đầu tư mới.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện có nhiều dự án quy mô lớn được các tập đoàn cam kết đều tư vào Việt Nam trong thời gian tới. “Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Chỉ nhìn vào cam kết đầu tư 1 tỷ USD của LEGO, hay các cam kết đầu tư của các tập đoàn lớn trong các chuyến “xúc tiến đầu tư” đặc biệt của các nhà lãnh đạo đất nước vào những tháng cuối năm 2022, là có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng tốc của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thêm nữa, theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), sau khi sụt giảm trong năm 2020, dòng đầu tư toàn cầu đang có xu hướng hồi phục trong năm 2021. Dự kiến, năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mới, thì đầu tư toàn cầu sẽ trở về mức của năm 2019 - tức là 1.500 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào châu Á, đặc biệt là một số quốc gia ASEAN, có thể đạt mức cao hơn năm 2020.
Là “tâm điểm” đầu tư của khu vực ASEAN, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Hơn thế nữa, quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có việc vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, cũng sẽ giúp Việt Nam “tăng điểm” trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài.