UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch số 85/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của TP Hải Phòng.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế và thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế; tạo 18,5 – 20,5 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch; 100% người lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch. Đến năm 2030, Thành phố sẽ phấn đấu đón và phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,8 triệu lượt khách quốc tế, tạo 23-25 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.
Quần đảo Cát Bà
Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng trong mối liên kết vùng và khu vực. Huy động nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố, quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và từng bước đưa Hải Phòng trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thành phố xác định 9 nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Đó là phải tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển du lịch để không ngừng nâng cao uy tín, sức hút thương hiệu du lịch Hải Phòng, xây dựng hình ảnh điểm đến Hải Phòng an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch như thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch (du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch khám chữa bệnh, du lịch thể thao...
Tiếp tục huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ liên tỉnh... Phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon...) kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm mở rộng không gian, thu hút đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Mở rộng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại các huyện Vĩnh Bảo, An Lão, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, du lịch cộng đồng tại huyện Cát Hải; Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe (suối nước khoáng nóng, khám chữa bệnh). Khôi phục, phát huy các di tích lịch sử, di tích cách mạng, làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa. Thúc đẩy phát triển du lịch MICE gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa, hội nghị quốc tế lớn (tại Cát Bà, Đồ Sơn và khu vực trung tâm thành phố) kết hợp du lịch mua sắm.
Ngoài ra, Thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch; Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; Bảo vệ tài nguyên và môi trường trong phát triển du lịch.