Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP.
Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đảng bộ TP. Đà Nẵng xác định, Chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển Thành phố. Chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì…
Vì vậy, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Về phát triển chính quyền số, 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động; 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở; mỗi người dân, doanh nghiệp đều có tài khoản định danh điện tử, được xác thực điện tử và có dữ liệu số để giao dịch, sử dụng dịch vụ công, thông tin, tiện ích của Thành phố.
Đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố Đà Nẵng; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm…
Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số.
Mục tiêu đến năm 2030, TP. Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP Thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm…
Để đạt được các mục tiêu về chuyển đổi số, TP. Đà Nẵng sẽ có chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số địa phương; Xây dựng chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chuyển đổi số; Tập trung hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung toàn Thành phố; Nâng cấp, hoàn thiện nền tảng hiện có, như nền tảng Chính quyền điện tử, Cổng dịch vụ công, Trục tích hợp dữ liệu, Quan trắc môi trường, Hệ thống báo cáo điện tử…, đặc biệt là nền tảng đô thị thông minh…
Phát triển công nghiệp CNTT và doanh nghiệp công nghệ số: Triển khai hiệu quả Kế hoạch Về xây dựng kinh tế số, Đà Nẵng tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số để có vai trò “dẫn dắt” trong chuyển đổi số nhằm tạo ra thị trường và thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đến Đà Nẵng hoạt động. Xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số trên địa bàn Thành phố...