Trong cơn say chứng khoán năm 2021, môi giới là những người hưởng lợi đầu tiên và cũng là đối tượng "hứng" trước hết các cơn giận dữ của nhà đầu tư.
5 năm trong nghề môi giới, chưa khi nào hai thái cực cảm xúc của Thùy Dương (28 tuổi) bị đẩy lên cao như năm nay. Cô bắt đầu làm môi giới chứng khoán từ năm 2016. Học kế toán nhưng cô rẽ hướng làm chứng khoán ngay khi ra trường vì lời dụ "ngành này về sau sẽ giàu" của cô bạn thân.
Sau 5 năm, Dương tự thấy "mình giàu thật" khi sở hữu tài sản 10 con số, nhất là khi nó không phải quá trình tích lũy dần mà toàn bộ chỉ đến trong năm nay, năm mà cô ví là "điên rồ" của thị trường.
Nếu để chọn một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế có phần kém sắc của năm nay, đó phải là chứng khoán. Đầu năm 2020, khi đại dịch lần đầu xuất hiện, VN-Index lao dốc từ ngưỡng gần 1.000 điểm về đáy 650 điểm chỉ trong một tháng, và chỉ phục hồi vào cuối năm khi đại dịch được kiểm soát. Năm nay, đòn giáng từ Covid-19 đến kinh tế còn nặng hơn, kinh tế lần đầu tăng trưởng âm trong quý III, đợt bùng phát thứ tư có mức độ lớn hơn cả ba lần trước cộng lại nhưng chứng khoán vẫn lập kỷ lục.
Đồ thị của thị trường theo tháng trong năm nay chỉ ghi nhận hai cây nến đỏ, còn lại là mười cây nến xanh. VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.500 điểm, thanh khoản những phiên cao nhất tới 2 tỷ USD, còn số lượng tài khoản mở mới có tháng tới 200.000. Những môi giới chứng khoán như Dương là người được hưởng lợi đầu tiên từ sự tăng tốc này của thị trường.
Môi giới được ví như "sợi dây" nối nhà đầu tư với thị trường và công ty chứng khoán. Từ khi mở tài khoản chứng khoán, khách hàng đã có một môi giới hỗ trợ. Họ có thể chọn sự tư vấn từ những người như Dương, hoặc tự đầu tư. Nhưng năm nay, khi đa phần nhà đầu tư mới tham gia thị trường là F0 - những người chưa có kinh nghiệm, môi giới làm việc không xuể.
Khách hàng giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại TP HCM, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Số lượng tài khoản khách hàng do các môi giới quản lý tăng vọt từ cuối năm 2020 và kéo dài đến cuối năm 2021. Trước đây, có tháng họ phải chạy ngược chạy xuôi, thậm chí là nhờ cả người thân để đảm bảo đủ chỉ tiêu thì năm nay, khách tự tìm đến.
Với mỗi môi giới, nguồn thu chính là phần phí giao dịch của khách hàng được công ty chia lại. Nhờ lượng khách quản lý tăng vọt, giá trị giao dịch của Dương theo đó cũng tăng đột biến, có tháng ghi nhận tăng trưởng bằng lần. Chỉ riêng khoản này, thu nhập của Dương có tháng lên tới cả trăm triệu đồng.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Nhiều khoản thu nhập "không tên" cũng xuất hiện trong năm vừa qua khi có khách đòi trả phí tư vấn riêng để Dương có thể trả lời câu hỏi của họ bất kể thời gian nào, để tham gia những nhóm tư vấn VIP. Khách hàng cũng gửi quà cảm ơn khi Dương tư vấn cho họ những mã cổ phiếu có lợi nhuận cao.
Công việc nhiều không đếm xuể, điện thoại lúc nào cũng trong trạng thái trực chờ đổ chuông nhưng đổi lại, thu nhập của cô tăng theo cấp số nhân so với chỉ cách đây một năm.
"Chúng ta hay nói thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, đó là trong trạng thái bình thường. Còn trong giai đoạn bất thường như vừa qua, chứng khoán là hàn thử biểu của tiền rẻ, biểu hiện của việc bơm tiền ra dư thừa như thế nào", TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính – ngân hàng tại Đại học Lincoln (Anh), nhận xét.
Thực tế, những gì diễn ra với Dương cũng là bức tranh chung của nghề môi giới chứng khoán năm nay. Dù là người mới hay những người có thâm niên, thu nhập trong năm vừa qua cũng đều tăng vọt, nhờ lượng tiền mới ồ ạt đổ vào.
Nhưng không phải mọi chuyện đều là "màu hồng".
Hoàng Nam, môi giới gắn bó hơn 7 năm với thị trường, thừa nhận, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường cũng khiến những "mặt tối" của nghề môi giới lộ rõ hơn.
Vì thu nhập chính gắn liền với giá trị giao dịch, liên quan tới tần suất mua - bán của khách hàng, không ít môi giới tìm mọi cách để khách hàng giao dịch thật nhiều. Thời gian đầu tư với khung trung hạn trở nên ít dần, thay vào đó là đánh "T+". Khách hàng mới lãi vài phần trăm nhưng được tư vấn chốt lời ngay để quay sang mua mã khác. Hoặc khi thị trường nổi sóng với nhóm nào đó, khách hàng được tư vấn bán ngay các mã cũ để mua đuổi theo.
Còn với khía cạnh đầu tư, Hoàng Nam cũng trải qua không ít chuyện "dở khóc, dở cười", dù việc này theo anh là chính đáng.
Giai đoạn đầu năm, khi các mã bluechip dẫn dắt thị trường, Nam, với phương pháp đầu tư dựa trên yếu tố cơ bản, trở thành "thần tượng" của gần 1.000 nhà đầu tư trong nhóm anh quản lý. Mỗi lời nhận định được cả nhóm hưởng ứng. Mọi người đều tin vào dự báo của Nam, nhiều nhà đầu tư gọi anh là "bậc thầy", là "chuyên gia".
Nhưng đến giai đoạn nửa sau, khi thị trường phân hóa mạnh, VN-Index vẫn tăng nhưng người làm chủ cuộc chơi là nhóm mid-cap, penny, mọi thứ đảo chiều. Nhiều mã Nam khuyến nghị không tăng, hoặc biên độ khiêm tốn, trong khi nhiều mã cảnh báo lại tăng tính bằng lần. Nhiều con sóng bị bỏ lỡ khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn, tức giận.
Dương, nữ môi giới 28 tuổi, cũng gặp những vấn đề tương tự. Khi tư vấn không đúng nhóm cổ phiếu đang tăng nóng, có nhà đầu tư tức giận đã đến công ty cô làm việc, đòi gặp giám đốc để đề nghị đuổi việc. Có người gọi điện mắng cả giờ đồng hồ, nói cô "kém năng lực, thiếu kiến thức". Nhiều hôm quá áp lực, Dương phải tắt điện thoại, trốn vào nhà vệ sinh ngồi khóc.
Nhưng chuyện "dở khóc, dở cười" vẫn chưa hết. Hệ thống giao dịch bị lỗi, lệnh đặt không khớp, môi giới là người đầu tiên bị chửi. Khách hàng chốt lời lãi nhưng cổ phiếu sau đó còn tăng tiếp, người tư vấn cũng bị mắng. Nhiều nhà đầu tư thấy số điện thoại của Dương trên website công ty, gọi hỏi chuyện gần hai giờ, khi cô cáo bận, họ nói không nhiệt tình, sẽ không bao giờ mở tài khoản chỗ cô.
Dù vậy, những lời phàn nàn, theo Dương, là "mức giá" không cao nếu so với thu nhập tăng bằng lần trong năm qua. "Môi giới cũng như nhiều nghề dịch vụ khác, phải cố gắng chiều lòng tất cả. Nhà đầu tư trả phí tư vấn, phí giao dịch, họ đòi hỏi lợi nhuận là yêu cầu chính đáng", Dương chia sẻ.
Diễn biến VN-Index trong năm 2021. Ảnh: Trading View
Những diễn biến này không chỉ xảy ra với môi giới, ngay cả giám đốc kinh doanh của một công ty chứng khoán cũng gặp trường hợp tương tự.
Trong một sự kiện đầu tháng 12, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty chứng khoán KB cho biết, ba tháng trở lại đây khối kinh doanh của công ty này đã mất khách tương đối nhiều.
Sáu tháng đầu năm, nhóm VN30 tăng rất tốt, ông thường tư vấn khách đầu tư vào các mã đó. Nhưng ba tháng vừa qua, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, trung bình tăng mạnh không có điểm dừng, nhiều mã âm vốn chủ sở hữu nhưng thị giá tăng 10-20 lần kích thích lòng tham lớn của nhà đầu tư.
"Câu chuyện rõ ràng có rủi ro nên tôi không thể tư vấn cho khách mua những mã như thế", ông Nhân nói. Nhưng điều này khiến nhiều khách hàng không bằng lòng và bỏ đi.
"Không thể nào tư vấn những mã mà nội tại doanh nghiệp không có gì cả nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng ầm ầm. Suốt 2-3 tháng vừa rồi những chuyên gia như tôi đều đầu tư lợi nhuận không hiệu quả bằng những nhà đầu tư mới trong giai đoạn thị trường tăng trưởng như vừa rồi", ông chia sẻ.
Theo ông, bản chất những người trẻ tham gia đầu tư muốn làm giàu nhanh, và còn nhiều thời gian phía trước để họ có thể làm lại từ đầu nếu thất bại. Vì vậy, khẩu vị rủi ro của họ rất lớn.
"Ở những chu kỳ tiền nhiều làm chủ thị trường, nhà đầu tư thường tham lam hơn. Quan điểm theo tài chính hành vi là nhà đầu tư thường quên bài học quá khứ rất nhanh. Nhưng với những nhà đầu tư mới còn chưa từng trải qua những giai đoạn khó khăn của thị trường, quả thực họ không có gì để quên, để sợ", TS Quách Mạnh Hào giải thích.