Đại Lộ Thăng Long và các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Hoàng Sa, Trường Sa là năm công trình được đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng.
Đại lộ Thăng Long nhìn từ trên cao. |
Đại lộ Thăng Long khánh thành vào tháng 10/2010 đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Dự án dài hơn 29 km, tổng đầu tư trên 7.500 tỷ đồng.
Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Tuyến đường này đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh).
Đây được coi là tuyến đường hiện đại bậc nhất Hà Nội, với quy mô rộng 140 m, hai dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều ba làn xe, hai dải đường đô thị hai làn xe, dải phân cách giữa, hai dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Ngoài ra, đại lộ này có hệ thống đèn cao áp gồm năm hàng.
Đường Võ Chí Công là một đoạn thuộc dự án đường Vành đai hai từ Nhật Tân về Cầu Giấy dài 6,4 km; tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng.
Tuyến đường này có điểm đầu từ cầu Nhật Tân đến cầu vượt qua nút giao đường Hoàng Quốc Việt.
Đường Võ Chí Công là một trong số ít đường có năm làn xe chạy trong nội đô; được thiết kế có dải phân cách giữa rộng và trồng nhiều tầng cây xanh.
Đây cũng là tuyến đường kết nối trung tâm Thủ đô với đường Võ Nguyên Giáp đến sân bay Nội Bài.
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12 km được thông xe vào tháng 1/2015, điểm đầu nối với cầu Nhật Tân và điểm cuối nối sân bay Nội Bài.
Tuyến đường được đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng; chiều rộng 80-100 m, phục vụ sáu làn xe với vận tốc tối đa 80 km mỗi giờ; hai đường gom cho xe máy, xe thô sơ với vận tốc tối đa 40 km mỗi giờ.
Dải phân cách giữa đường Võ Nguyên Giáp được trồng năm tầng cây xanh. Ba tầng dưới cùng là hệ thống cây cảnh nhiều màu sắc, được trồng thành hình ngôi sao năm cánh. Hai tầng phía trên là cây xoài và cây chà là, nhiều đoạn được trồng hoa ban xen kẽ với cây long não.
Đường Hoàng Sa được khánh thành năm 2014, nằm trên huyện Đông Anh, đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt (đối diện Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung) đến ngã tư chân cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp; dài 4,8 km, rộng 68 m.
Đường Hoàng Sa chủ yếu chạy qua các cánh đồng, cách khá xa khu dân cư. Từ đây cũng có thể nhìn thấy cầu Nhật Tân và những tòa nhà cao tầng trong trung tâm Thủ đô.
Khánh thành cùng thời điểm và cũng nằm trên trục Quốc lộ 5 kéo dài với đường Hoàng Sa, đường Trường Sa chạy từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp (xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù (xã Đông Hội, Đông Anh); dài 7,3 km, rộng 68 m.
Đường Trường Sa, Hoàng Sa (Đường 5 kéo dài) có ba cây cầu: Đông Hội, Phương Trạch và Đông Trù. Điểm nhấn là cầu Đông Trù, dài hơn một km bắc qua sông Đuống, mặt cắt rộng 55 m với tám làn xe. Cả hai tuyến đường có tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng.
Bá Đô - Hùng Thập / VnExpress