Năm 2006, với vị thế là vua của ngành thủy sản, bỏ xa Minh Phú, Vĩnh Hoàn hay Hùng Vương, ANV đã bán cổ phần với giá 130.000 đồng/CP. Từ đây, “tiền quá nhiều” đã khiến ANV phải trả giá đến 10 năm. Năm 2016, ANV trở lại khi làm chủ vùng nuôi không chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu mà còn bán ra thị trường trong nước.
Giá cá tra từ đầu năm 2017 đã tăng từ 17.000 đồng/kg lên đến đỉnh điểm là 28.500 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 30.000 đồng/kg do ảnh hưởng của nguồn cá giống. Dù vậy, xuất khẩu cá tra năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng “ngoài kỳ vọng” của giới chuyên môn, với kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/11/2017 đạt hơn 1,54 tỷ USD, tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp cá tra báo lãi tăng mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu vùng nuôi, và CTCP Nam Việt - Thủy sản Nam Việt (mã ANV) không phải là ngoại lệ. Nhưng để được như ngày hôm nay, ANV đã phải trả giá đắt cho những sai lầm đầu tư trong quá khứ bởi “tiền quá nhiều sinh hư”.
Từ “tiền quá nhiều sinh hư”…
Năm 2006, Nam Việt là "vua" của ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 165 triệu USD, bỏ xa Minh Phú và gấp 3 lần giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn hay Hùng Vương. Với vị thế đầu ngành và triển vọng phát triển trong tương lai, thương vụ IPO của Nam Việt được đánh giá là đình đám nhất trong nhóm doanh nghiệp tư nhân vào năm 2006.
ANV đã bán thành công 6 triệu cổ phần với giá 130.000 đồng/CP mang về cho công ty thặng dư 612 tỷ đồng. Có quá nhiều tiền đã khiến cho Nam Việt sai lầm trong đầu tư ngoài ngành - xu thế của nhiều doanh nghiệp lắm tiền thời 2006 - 2008.
Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó chủ tịch ANV cho biết, sau khi có nhiều tiền Nam Việt đã đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân bón. Với quan điểm 2 ngành nói trên cùng ngành chế biến thủy sản kỳ vọng sẽ tạo ra thế phát triển vững chắc như kiềng ba chân cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giữ vững tăng trưởng lợi nhuận.
Thuyết minh báo cáo tài chính ANV cho biết, từ năm 2007, ANV bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Từ năm 2009, ANV bắt đầu góp vốn vào thành lập CTCP DAP số 2 - VinaChem (DAP2); tiếp sau đó là CTCP Cromit Nam Việt, CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa…
Đến cuối năm 2015, giá trị đầu tư tài chính lên đến 772 tỷ đồng (chưa giảm trừ bởi khoản đã chi phí dự phòng đã trích lập). Trong đó, ANV đã đầu tư khoảng 613 tỷ đồng vào DAP2; 135 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải; 31,3 tỷ đồng còn nằm ở CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa và CTCP Cromit Nam Việt.
Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán |
Giải phóng hết các “gánh nặng” tài chính
Việc đầu tư ngoài ngành thủy sản đã không đạt như kỳ vọng ban đầu. “Hai chân kia gãy – tức ngành khai khoáng và ngành sản xuất phân bón; chân còn lại bị què, tức ngành thủy sản bị liên lụy” - ông Nguyễn Duy Nhất đánh giá. Kết quả kinh doanh của NAV trồi sụt qua các năm, diễn biến khó lường do ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng đầu tư và gánh nặng nợ.
Nhưng từ cuối năm 2015 đến 2016, ANV đã mạnh tay xử lý các khoản đầu tư nói trên, quay lại tập trung đầu tư cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi - thủy sản. Lợi nhuận năm 2015 tiếp tục giảm sâu chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, và năm 2016 khấm khá hơn gần 29 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán |
Trên thực tế, đối với ngành thủy sản, ngoại trừ năm 2009, ANV cũng như các doanh nghiệp trong ngành chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vụ kiện chống bán phá giá, cạnh trạnh xuống đáy, các năm còn lại hoạt động sản xuất kinh doanh của ANV đều có tăng trưởng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy đến cuối năm 2016, ANV đã thoái vốn khỏi DAP2, đến quý III/2017, ANV chỉ còn lại khoảng hơn 160 tỷ đồng đầu tư tài chính cần giải quyết.
Lãnh đạo ANV cho biết, đến thời điểm hiện tại Nam Việt đã xử lý xong tất cả các khoản đầu tư ngoài ngành, giải phóng hết tất cả các gánh nặng làm Nam Việt bị thua lỗ trong thời gian qua, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo 2018 - 2019.
…Trở lại đường đua!
Từ năm 2016, ANV bắt đầu tập trung đầu tư trở lại cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi, đầu tư vùng nuôi đủ cung ứng nguyên liệu cho hoạt động chế biến xuất khẩu, và dư bán cá nguyên liệu ra bên ngoài.
ANV cũng đã đầu tư nâng cấp nhà máy chế biến thức ăn, tiến đến sở hữu nhiều hơn các khâu trong chuỗi giá trị nuôi trồng chế biến cá.
Hiện tại, ANV sở hữu 22 vùng nuôi và vùng nuôi liên kết với tổng diện tích mặt nước 250 ha, sản lượng cá tra hơn 80.000 tấn/năm, đảm bảo 100% nguyên liệu cho sản xuất chế biến hàng xuất khẩu và cung cấp nguồn nguyên liệu tươi ra thị trường.
Nhà máy thức ăn của ANV có 8 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất thiết kế 800 tấn/ngày, cung cấp 100% thức ăn cho vùng nuôi, và bán thức ăn ra thị trường.
ANV có 3 nhà máy chế biến thủy sản gồm Nhà máy Nam Việt, Nhà máy Thái Bình Dương, Nhà máy Ấn Độ Dương với tổng công suất thiết kế hơn 600 tấn nguyên liệu/ngày.
“Giá cá tra đã tăng mạnh từ đầu năm 2017 đến nay do khan hiếm nguồn cung cá bột. Không cần chế biến cá xuất khẩu, ANV chỉ cần bán cá nguyên liệu ra thị trường cũng đủ thu lãi lớn. Nhưng làm ăn phải tính đến chuyện lâu dài. Chúng tôi vẫn chế biến cá để xuất khẩu nhằm giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Duy Nhất chia sẻ.
Số liệu báo cáo nhà đầu tư ngày 6/12/2017 của ANV |
Cá đã qua chế biến của Nam Việt đang được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. So với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực và quy mô như IDI, Agifish, ANV đang nằm ở giữa với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng hơn 67 triệu USD, so với IDI đạt 77 triệu USD, và Agifish đạt 44 triệu USD. ANV cũng đứng trong Top 15 nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất ngành.
ANV cũng kiểm soát các chi phí hoạt động (chi phí bán hàng và chi quản lý doanh nghiệp) ở mức khoảng 8%. Ước tính, năm 2017, ANV đạt khoảng 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, và lên kế hoạch lợi nhuận cho năm 2018 là 200 -220 tỷ đồng.