"Covid-19 đã tạo cú hích để chúng tôi có được những hợp đồng trên 100 triệu USD, con số mà trong điều kiện bình thường có lẽ phải 3 năm nữa mới đạt được", ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, chia sẻ trong một cuộc gặp với các nhà đầu tư.
Năm 2020, FPT ký được 3 hợp đồng quy mô trên 100 triệu USD mỗi cái, với công ty kinh doanh xe hơi hàng đầu tại Mỹ, hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật Bản và tập đoàn dầu khí lớn tại Malaysia.
Cả năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này lần lượt đạt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Những thành quả này không dễ. Thực tế, Covid-19 là nguy cơ không nhỏ với bất kỳ ai, dù là doanh nghiệp công nghệ. Ông Khoa nói rằng, tập đoàn đã kích hoạt "chế độ thời chiến" để chống chọi và vượt qua khủng hoảng. Họ thành lập đội "phản ứng nhanh" để lên kế hoạch "tác chiến" theo tuần, có khi theo ngày.
Bản thân tập đoàn cũng tăng tốc chuyển đổi số nội bộ, triển khai các giải pháp tái cấu trúc quy trình kinh doanh, tối ưu vận hành. Nhờ vậy, họ giảm được 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí là 90% thời gian cho các quy trình doanh nghiệp.
Với kinh doanh, họ nghiên cứu nhu cầu chuyển đổi số của thị trường mùa dịch để có các gói giải pháp phù hợp, tăng cường bán chéo, dùng chung nguồn lực... Ông Khoa nói Covid-19 là "cơ hội trăm năm có một" cho Việt Nam nói chung và những công ty công nghệ tiên phong chuyển đổi số đưa tên mình lên bản đồ thế giới.
Hay như câu chuyện của Appota, vượt qua năm 2020 không phải là sự may mắn như tấm vé trúng độc đắc. Appota hoạt động trong lĩnh vực công nghệ - giải trí số. Covid-19 lần đầu xuất hiện từng khiến mọi chiến lược hoạt động, kế hoạch của họ bất ngờ đổi hướng.
"Ở giai đoạn đầu, mọi thứ có thể vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài không ngờ cũng đã dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng: Gián đoạn việc cung ứng chuỗi nội dung giải trí ra thị trường, việc hợp tác với các công ty nước ngoài bị đình trệ, sức chi trả của khách hàng cho hoạt động giải trí cũng giảm dần theo thời gian", đại diện công ty cho biết.
Bên cạnh đó, bài toán làm sao để vừa phải phòng dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh là một trong những điều trăn trở nhất. Giữa tháng 3/2020, họ áp dụng luân phiên làm việc tại nhà. Tuy vậy, việc chuyển mô hình làm việc cũng gặp không ít khó khăn, như làm sao để giám sát được các dự án, giữ lửa cho nhân sự, đo lường công việc hàng ngày...
"Trong cái khó ló cái khôn", họ phát triển một giải pháp để thực hiện được 3 mục tiêu: Sử dụng công nghệ để thực hiện và giám sát công việc; kiểm soát hoạt động theo dự án - lấy leader làm trung tâm; triển khai các hoạt động truyền thông nội bộ để giữ lửa nhiệt tình nhân viên. Không chỉ dùng cho nội bộ, họ mang đi bán và có được 1.500 khách hàng.
Song song đó, họ cũng bắt đầu nhảy vào thị trường ví điện tử với AppotaPay, khi là đơn vị thứ 39 được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép trung gian thanh toán. Ngoài ra, Covid-19 cũng phần nào thúc đây tăng trưởng của các dịch vụ như game, livestream, quảng cáo của công ty. "Đối mặt với một năm 2020 đầy thách thức, Appota hay bất cứ doanh nghiệp khác nếu muốn sống còn đều phải thích ứng, chấp nhận và thay đổi", vị đại diện nói.
Không chỉ những đơn vị sẵn có vượt khó vươn lên, năm đại dịch vừa qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số mới. Chia sẻ tại "Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020" diễn ra tháng 12/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng đến 28%, đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đất nước lên trên 58.000. "Một con số kỷ lục", ông Hùng nhận định và cho rằng mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số sẽ có thể cán đích vào năm 2025 thay vì đến năm 2030 như mong muốn ban đầu.
Đó là ở góc độ số lượng. Xét ở chất lượng, chương trình "NINJA Accelerator tại TP HCM" có thể là một dấu chỉ tham khảo. Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, thực hiện dưới sự hợp tác với NTUitive, trực thuộc trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang (Singapore) và các đối tác tại Việt Nam, gồm: Saigon Innovation Hub (SIHUB); Khu công nghệ phần mềm Đại Học Quốc Gia Tp.HCM (ITP); và Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC).
Tháng 1/2021, chương trình đã chính thức khởi động vòng Tăng tốc cho top 15 startup được chọn. Họ là những startup trong các lĩnh vực giáo dục, môi trường, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu hành vi người dùng và trí tuệ nhân tạo để phát triển sản phẩm trong nền kinh tế số.
Có thể kể đến một số sáng kiến nổi bật như: Mạng xã hội kinh tế địa phương SORA - cho phép giao dịch bằng hiện vật; Ứng dụng thu gom phế liệu VECA - bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ phế liệu và góp phần bảo vệ môi trường; Thiết bị điều trị công nghệ cao AMED - sáng chế "Made in Vietnam" phục vụ lĩnh vực y - dược da liễu nội địa; Nền tảng dữ liệu cho ngành nông nghiệp Việt AgriBiz; Giải pháp tương tác kỹ thuật số Xperx AI - nối dài cánh tay tiếp thị của doanh nghiệp đến với thị trường.
"Ngay cả trong giai đoạn đầy thách thức như năm 2020, vẫn có rất nhiều ý tưởng độc đáo được hình thành tại khu vực Đông Nam Á. Những startup non trẻ đó đã và đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để thực hiện ý tưởng kinh doanh của họ. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khối Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam đang dần trở thành trung tâm khởi nghiệp của châu Á", ông Lim Boon Chow - Phó giám đốc phát triển doanh nghiệp của Đại học kỹ thuật Nanyang, NTUitive đánh giá những ý tưởng tham gia.
Năm Covid-19 đã qua và 2021 đến với những thách thức tạm thời về đợt dịch mới đang bùng phát. Song, những con thuyền đã có kinh nghiệm vượt sóng năm qua vẫn ấm ủ kế hoạch phát triển với nhiều lạc quan.
Hôm 27/1, KMS Technology, công ty dịch vụ phần mềm với 1.000 nhân viên tại Việt Nam và Mỹ, đã phát đi thông báo về các mục tiêu kinh doanh mới. Theo đó, công ty tập trung chuyên sâu cung cấp dịch vụ và giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ y tế, mở rộng kinh doanh khu vực thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, công ty công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 500 kỹ sư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu. "Chúng tôi tự tin hướng đi mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội", ông Trần Trọng Đại, Tổng giám đốc KMS Technology Việt Nam chia sẻ hôm đó.
"Tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi thú vị và nhận thấy rằng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm công nghệ và khởi nghiệp tiếp theo của khu vực và thế giới", CFO Tiki Richard Triều Phạm, người có hơn 20 năm kinh nghiệm "chinh chiến" tại các công ty startup và công nghệ tại Mỹ, bình luận nhân dịp chia sẻ chiến lược thời gian tới của Tiki.
Khi Covid-19 mở ra cơ hội cho ngành thương mại điện tử, Tiki không chỉ hứa hẹn sẽ tiếp tục chịu chi để làm khuyến mại, mà hơn hết, họ muốn trở thành một nền tảng logistics, và nền tảng ứng dụng trong ứng dụng (app in app). Ông Richard cho biết công ty đã đầu tư hàng chục triệu USD vào công nghệ và hệ thống logistics mỗi năm, và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. "Chúng tôi đang xây dựng và phát triển một nền tảng logistics, chứ không chỉ đơn thuần là một công ty logistics truyền thống", vị này bật mí tham vọng.
Tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), bản tin tuyển dụng đã ghi nhận nhu cầu tuyển mới của một số thành viên. Ví dụ Misa tuyển thêm hàng loạt nhân viên kinh doanh, TMA tuyển thêm 200 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Bình Định. Nhu cầu tuyển dụng trở lại phần nào phản ảnh nhiều kế hoạch phát triển tiếp theo của giới doanh nghiệp công nghệ số.
Trong báo cáo gần đây nhất, Navigos Search cũng đánh giá nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã hồi phục nhanh sau Covid-19 năm ngoái. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng. "Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021", báo cáo cho hay.