Thời gian qua, nhiều DN của Trung Quốc và Thụy Điển - những quốc gia XK gỗ hàng đầu - đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất XK nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất là giải pháp sống còn của DN chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay
Các DN chế biến gỗ cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất
Nhiều thách thức
Những năm gần đây, ngành gỗ là một trong những điểm sáng của kinh tế cả nước với mức tăng trưởng kim ngạch XK bình quân 15%/năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 3,17 tỷ USD. Với tiềm lực nội tại, đến năm 2025, giá trị XK của ngành gỗ có thể đạt đến hơn 20 tỷ USD, gấp 3 lần so với hiện nay.
Việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới đã giúp ngành gỗ có điều kiện mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ FTA, ngành gỗ phải giải quyết nhiều tồn tại lớn. Cụ thể, về chủng loại XK, theo ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty VIETGO - DN chuyên tư vấn XK, gỗ XK vẫn tập trung vào các sản phẩm chính như gỗ băm (gỗ vụn), gỗ ván bóc, gỗ dán, gỗ xẻ, đồ gỗ nội, ngoại thất… Trừ đồ gỗ nội, ngoại thất, những mặt hàng còn lại đều là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các sản phẩm nguyên liệu XK này không nằm trong các đối tượng được giảm thuế.
Bên cạnh đó, trong gần 7 tỷ USD kim ngạch XK đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay, giá trị đóng góp của khối DN FDI đang chiếm khoảng 50%. Mặc dù có hàng nghìn DN Việt đang tham gia sản xuất, XK gỗ nhưng do chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, công nghệ hạn chế, kim ngạch XK của khối DN này chưa cao.
Thay đổi tư duy để thu lợi lớn nhất
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, thời gian qua, nhiều DN của Trung Quốc và Thụy Điển - những quốc gia XK gỗ hàng đầu - đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất XK nhằm hưởng lợi từ các FTA.
Số liệu từ Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương càng làm rõ hơn nhận định này. Cụ thể, chỉ trong 5 tháng đầu năm, có đến 29/100 dự án đầu tư mới nhà máy gỗ tại Bình Dương thuộc các DN Trung Quốc, Đài Loan với số vốn ban đầu hơn 82,4 triệu USD. Tính đến nay, số DN FDI từ Trung Quốc, Đài Loan “đóng đô” ở Bình Dương - một trong những “thủ phủ” của ngành gỗ Việt Nam đã lên gần 900 DN, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD.
Trước thực trạng trên, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất là giải pháp sống còn cho DN ngành gỗ trong bối cảnh hiện nay. Theo thông tin từ Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), ngay trong năm nay, thành phố sẽ rót kinh phí để HAWA đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm.
Về phía DN, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, nhiều DN gỗ cũng bắt đầu ứng dụng, khai thác các tiện ích từ công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh.
Đơn cử, Công ty TNHH Danh Mộc (TP. Hồ Chí Minh) đã đầu tư phần mềm quản lý sản xuất để có thể đáp ứng những đặc trưng riêng của ngành gỗ; Công ty TNHH Thương mại An Cường (Bình Dương) đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại để tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu... Đây là xu hướng được khuyến khích thực hiện nhằm không chỉ hướng đến mục tiêu 20 tỷ USD năm 2025, mà còn tối đa hóa lợi ích từ con số này.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 67,72% tổng giá trị XK. |