Nhiều công ty ôtô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và ước tính việc này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ôtô trong 2022...
Ảnh minh hoạ.
2021 coi như là một năm “thôi bỏ đi” với các doanh nghiệp ngành ôtô. Do đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài, doanh số bán ô tô 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 198.000 chiếc giảm 3%. Sau khi mở cửa trở lại trong quý 4/2021, doanh số ô tô đã có sự hồi phục với ước tính 156.000 xe bán ra trong giúp doanh số cả năm 2021 ước đạt 354.000 chiếc tăng nhẹ 5%. Sự phục hồi được hỗ trợ bởi Thông tư 103 /2021/ND-CP gần đây của Chính phủ, giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021.
Trên thị trường cổ phiếu, dữ liệu của SSI Research cho thấy, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành ôtô chỉ tăng trung bình 7,4% trong 2021, thấp hơn 26% so với mức tăng của VN-Index. Mặc dù giá cổ phiếu HAX và SVC đều tăng mạnh, cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn nhất trong ngành là VEA chỉ tăng giá 2% do doanh số bán ôtô và xe máy đều sụt giảm, trong khi vướng mắc nhiều vấn đề về hợp đồng kinh doanh chưa được giải quyết triệt để.
Nguồn: SSI Research.
Tình trạng thiếu hụt chip kéo dài đã tác động bất ngờ đến ngành ôtô. Theo ước tính của Hiệp hội Linh kiện điện tử thế giới (ECIA), thời gian hoàn thành cho một đơn đặt hàng linh kiện chip ôtô ở thời điểm tháng 12/2021 đã kéo dài tới 5 tháng (gần 22 tuần), gấp đôi thời gian đặt hàng bình thường trước dịch Covid do vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu.
Trong giai đoạn này, nhiều hãng xe đã phải cắt giảm 5%-10% sản lượng sản xuất, hoặc tạm hoãn ra mắt các mẫu xe mới. Tuy nhiên cho dù doanh số giảm, nhiều công ty ôtô lại có lợi nhuận tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận ròng toàn cầu của các hãng xe Honda, Ford, và Toyota tăng 129%, 480% và 102% do nguồn cung ôtô giảm, cạnh tranh về giá giảm nhờ nhu cầu ôtô thế giới hồi phục tích cực trong 2021. Nhìn chung, tác động của thiếu hụt chip ở mức vừa phải đang giúp các công ty sản xuất ôtô đẩy mạnh lợi nhuận trong ngắn hạn.
Bước sang năm 2022, theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu ước tính giảm trung bình 4% do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn đến cho đến nửa cuối năm 2022. Nhiều công ty ôtô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và ước tính việc này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ôtô trong 2022. Cả nhà sản xuất ôtô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này, lợi nhuận các công ty ôtô có thể đạt tăng trưởng mạnh.
SSI Research cũng ước tính nhu cầu ôtô sẽ tăng 16% trong 2022. Với mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ôtô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022.
Bỏ qua những bất ổn trong ngắn hạn, triển vọng 2022 có thể tươi sáng hơn với khả năng phục hồi tương đối chắc chắn. Vinfast gần đây đã công bố sẽ dừng dần hoạt động sản xuất xe xăng đến cuối năm nay để tập trung vào xe điện. Hiện tại, xe xăng của Vinfast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, do đó tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.
Thời điểm ghi nhận tăng trưởng cao có thể đến từ nửa cuối năm 2022. Nhu cầu mua xe sẽ chưa thực sự mạnh trong nửa đầu năm do khả năng dịch bệnh gia tăng vì biến thể mới Omicron. Sau khi dần mở cửa trở lại trong nửa cuối 2022, doanh số bán xe trong ngành sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn, cộng với mức nền so sánh thấp trong Quý 3/2021 sẽ là động lực ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.
"Định giá hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Với câu chuyện tăng trưởng trong 2022, chúng tôi cho rằng ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, lợi nhuận ngành hồi phục sau 2 năm ảm đạm có thể hỗ trợ tâm lý thị trường mạnh mẽ", SSI Research nhấn mạnh.