Nếu không vượt được qua và khắc phục được nguyên nhân chủ quan từ nội lực thì năng lực cạnh tranh của ngành đường sẽ tiếp tục còn kéo dài ở mức thấp và gây ra những hậu quả đáng ngại cho ngành mía đường, nông dân trồng mía và cả chuỗi sản xuất...
Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN trong việc mở cửa thị trường đường cho các nước trong tham gia trong nội khối.
Mở cửa
Sau một thời gian gia hạn, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ chính thức được xóa bỏ kể từ ngày 1/1/2020 tới đây.
Theo cam kết AFTA, tức là khu vực mậu dịch tự do của ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA đã có hiệu lực và các quốc gia mở cửa thị trường đường bắt đầu từ năm 2018, nhưng Việt Nam xin lùi thời hạn đến 2020. Như vậy, Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN trong việc mở cửa thị trường đường cho các nước trong tham gia trong nội khối.
Nỗi lo về năng lực cạnh tranh của ngành mía đường trong nước đã được nói nhiều trong suốt những năm qua, và câu chuyện này vẫn chưa hề cũ.
Nguyên nhân khách quan thì có vấn đề về cạnh tranh từ các thị trường nước ngoài, nhưng rõ ràng năng lực cạnh tranh và lợi thế của họ lớn hơn hẳn chúng ta, từ Thái Lan cho đến Brazil, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ...
Tại phiên chất vấn cả 2 Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/11, những hạn chế của ngành mía đường tiếp tục được 2 Bộ trưởng chỉ ra và đề xuất các giải pháp cơ cấu ngành sản xuất này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển 1 triệu tấn đường và điều này rất đáng mừng, bởi đây là một trong những sản phẩm đảm bảo an ninh lương thực thông qua đồ uống, thông qua các nhu cầu khác".
Tổng diện tích mía đường của Việt Nam khoảng 250.000 hecta. Và với năng suất bình quân hiện nay, 66 tấn/một hecta, tổng sản lượng khoảng 17 triệu tấn mía đường, hàng năm ép ra đường được khoảng 1,2 triệu tấn đến 1,3 triệu tấn.
"Nhưng, câu chuyện “cạnh tranh giá đường trên quốc tế rất khó khăn”. Giá thành của chúng ta đang bị cao và xu hướng thị trường thế giới đang bị thừa đường. Chính vì thế, gặp rất nhiều khó khăn, trước hết cho người nông dân, giá mía mua hiện nay chỉ có 800 đến 900, rất bấp bênh. Giá thành cao so với khu vực và trên thế giới. Dẫn đến, kể cả chuỗi đường từ người nông dân tham gia cho đến nhà máy và đến khâu phân phối đều gặp khó khăn", Bộ trưởng nêu thực trạng.
Đường nội yếu thế, khó cạnh tranh bởi chi phí sản xuất cao, nhưng mở cửa thị trường, các ngành sản xuất phải chấp nhận cuộc chơi thương mại sòng phẳng.
Bộ Công Thương cho rằng, về cơ chế mở cửa thị trường đường theo cam kết quốc tế trong ATIGA, Việt Nam phải thực hiện.
"Trong các kỳ họp của Hội đồng Kinh tế ASEAN liên tục trong 2 năm 2018 và 2019 thì các nước đều phản ứng chính thức với Việt Nam về việc ta lùi thời hạn mở cửa thị trường đường, thậm chí có những nguy cơ họ sẽ tiếp tục phản ứng dưới hình thức trừng phạt hoặc họ rút lại những cam kết mở cửa thị trường các lĩnh vực khác của họ đối với chúng ta", ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương nói.
Đến nay các nước ASEAN cơ bản đã đồng thuận chấp nhận cho Việt Nam mở cửa vào ngày 01/1/2020. Vì vậy, nếu như ta tiếp tục lùi nữa và không thực hiện mở cửa thì sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến tiến trình hội nhập và nhất là đến việc thực thi các hiệp định khác, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với những đối tác khác.
Mạnh tay tái cơ cấu
Do đó, sẽ không còn đường lùi cho việc mở cửa thị trường đường trong nội khối và ngành mía đường phải chấp nhận đối mặt bằng cách cơ cấu lại, tổ chức lại sản xuất, M&A các doanh nghiệp nhỏ...
Với 41 nhà máy đường, tổng trữ lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, trong đó chỉ có 31 nhà máy có công suất 3.000 tấn/ngày và rất ít nhà máy công suất 6.000-8000 tấn/ngày, nên áp lực sàng lọc và bản thân ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ những nhà máy có sức mạnh và có quy mô nhất định bằng cách hợp nhất, liên doanh hoặc gì đấy để đảm bảo cho đủ năng lực cạnh tranh về công suất là con đường duy nhất phải thực hiện.
Ngành mía đường cũng phải rà soát lại tất cả các khâu, riêng về khâu giống mục tiêu đưa ra hệ thống giống ba cấp, cố gắng hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, 2 đến 3 năm phải phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất của cây mía không phải 66 tấn mà phải 80 tấn, thậm chí 100 tấn thì mới đủ khả năng cạnh tranh.
"Vấn đề nữa rất quan trọng mà chúng tôi đã bàn với Hiệp hội mía đường là chuỗi đường phải được kéo dài ra, các nước trên thế giới có những nước chỉ chiếm 55% trong tổng chuỗi giá trị, còn đâu là các sản phẩm khác, chúng ta phải tận dụng rất tốt chỗ này", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, ngoài sản phẩm đường, còn có các sản phẩm phụ, đó là 4 triệu tấn bã mía, đây là một nguồn tài nguyên rất tốt mà chỉ đốt để phát điện, rất lãng phí. Đó là khoảng 0,7 triệu tấn rỉ đường, cũng chủ yếu làm thức ăn cho gia súc thì rất lãng phí, do đó, cần một loạt công nghệ sinh học để cho ra được các sản phẩm cho giá trị cao từ những phụ phẩm ngành đường.
Ngoài ra, bùn và xỉ trong quá trình xử lý đường công nghiệp này cũng khoảng nửa triệu tấn. Như vậy, tập hợp ba nhóm sản phẩm phụ này nếu sử dụng tốt sẽ trở thành những sản phẩm có giá trị rất cao. Đơn cử, riêng 4 triệu tấn bã mía nếu áp dụng công nghệ tiên tiến về sản xuất nấm đã tạo được thêm những sản phẩm nối dài giá trị gia tăng của ngành mía đường.
Theo Thế Hải / baodautu.vn
https://baodautu.vn/nang-luc-canh-tranh-nganh-mia-duong-co-the-keo-dai-o-muc-thap-d110592.html