Đề xuất sửa đổi quy định doanh nghiệp kinh doanh taxi tại đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM phải có tối thiểu 200 xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang gây ra phản ứng từ phía các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp cho rằng sự can thiệp của cơ quan quản lý bằng điều kiện kinh doanh như vậy là không cần thiết và sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, làm triệt tiêu các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc đề xuất nâng số xe tối thiểu ở một doanh nghiệp taxi lên 200 xe là thiếu cơ sở khoa học và không có tính thuyết phục. Ảnh: ANH QUÂN
Cơ quan quản lý muốn những doanh nghiệp lớn
Khoảng vài tuần nay, một số doanh nghiệp taxi ở TPHCM đứng ngồi không yên khi nghe tin Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là các doanh nghiệp có trụ sở ở đô thị đặc biệt gồm Hà Nội và TPHCM phải có tối thiểu từ 200 xe trở lên (tăng 150 xe so với quy định hiện tại); trong khi doanh nghiệp ở các thành phố khác trực thuộc trung ương chỉ cần có từ 20 xe trở lên (tăng 10 xe so với quy định cũ), ở những địa phương còn lại phải có tối thiểu từ 10 xe trở lên.
Cùng với đề xuất tăng số xe tối thiểu, Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất nâng niên hạn sử dụng xe taxi hoạt động ở Hà Nội và TPHCM từ 8 năm lên không quá 12 năm.
Giải thích về mục đích sửa đổi Nghị định 86 lần này, Tổng cục Đường bộ cho rằng việc quy định doanh nghiệp phải có tối thiểu 200 xe ở đô thị đặc biệt nhằm tạo ra những doanh nghiệp vận tải taxi đủ lớn, có dịch vụ an toàn, tiện lợi cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch.
Hẳn nhiều doanh nghiệp taxi vẫn chưa thể quên, khi dự thảo Nghị định 86 được lấy ý kiến doanh nghiệp vào năm 2013, rất nhiều doanh nghiệp đã phản đối quy định doanh nghiệp phải có tối thiểu 50 xe và rút niên hạn sử dụng từ 12 năm xuống còn tám năm. Thế rồi, khi quy định được ban hành, cơ quan quản lý vẫn giữ nguyên những gì đã soạn thảo lúc ban đầu.
Để rồi sau hơn một năm thực hiện, một số doanh nghiệp bị giải thể do những điều kiện kinh doanh chưa phù hợp thì cơ quan quản lý lại đề xuất sửa đổi nâng niên hạn sử dụng taxi từ 8 năm lên 12 năm.
Điều này cho thấy việc xây dựng nghị định và các văn bản pháp luật của cơ quan quản lý đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải được kinh doanh bình đẳng
Khi có thông tin Nghị định 86 sẽ được sửa đổi với những quy định khắt khe hơn, khá nhiều doanh nghiệp đã phản ứng với đề xuất của Tổng cục Đường bộ. Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Đình Tốn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Taxi Sài Gòn Hoàng Long, cho biết quy định này một lần nữa thể hiện sự can thiệp không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Tốn, hiện nay, đầu tư một xe Vios mới (loại xe doanh nghiệp hay sử dụng) cần khoảng 600 triệu đồng; đầu tư 200 xe cần tới hơn 100 tỉ đồng. Số tiền lớn này không phải doanh nghiệp nào cũng có được.
“Việc có bao nhiêu xe để hoạt động là quyền quyết định của doanh nghiệp dựa trên khả năng tài chính và sự tham gia của họ vào thị trường. Lẽ ra, Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có điều kiện kinh doanh bình đẳng”, ông Tốn nói.
Cũng phản đối đề xuất này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết tại Hà Nội hiện nay, số doanh nghiệp taxi có dưới 200 xe chiếm 70-80%. Trước đây, khi Nghị định 86 quy định doanh nghiệp phải có tối thiểu 50 xe, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được đã phải giải thể. Họ từng chịu “cay đắng” khi không được tạo điều kiện kinh doanh như các doanh nghiệp lớn. Mặt khác, các đô thị lớn hiện đang khống chế số lượng xe taxi theo quy hoạch, vậy chẳng phải đề xuất quy định tăng số xe ở doanh nghiệp sẽ mâu thuẫn với quy định của địa phương hay sao?
Vị chủ nhiệm một hợp tác xã có kinh doanh taxi tại TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết đề xuất nâng số xe tối thiểu ở một doanh nghiệp lên 200 xe là thiếu cơ sở khoa học và không có tính thuyết phục. Một doanh nghiệp đang kinh doanh, không vi phạm pháp luật, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước chỉ vì không có đủ số xe mà bị giải thể là rất vô lý. Theo vị này, ngay cả khi quy định này được ban hành, doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ không hề bị triệt tiêu để chỉ còn những doanh nghiệp lớn như kỳ vọng của cơ quan quản lý mà họ sẽ “lách” bằng cách đăng ký kinh doanh và chuyển trụ sở về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, nhưng vẫn hoạt động đưa rước khách ở TPHCM.
“Chiêu” lách luật này đã được chính các hãng taxi thực hiện khi TPHCM hạn chế đăng ký xe taxi mới. Chính vì vậy, trên đường phố TPHCM hiện nay xuất hiện khá nhiều xe taxi mang biển số các tỉnh khác. Có thể thấy trước rằng cho dù đề xuất lần này của Tổng cục Đường bộ có được thông qua và được ban hành, nó cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Và điều quan trọng hơn là nó đi ngược lại với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà Chính phủ và chính quyền các thành phố lớn đang muốn thực hiện.
Lê Anh / thesaigontimes.vn