Đã hơn 20 năm tham gia cộng đồng ASEAN nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 quốc gia lạc hậu hơn so với phần còn lại. Trong 20 năm đó, lượng vốn ODA đổ vào Việt Nam là 90 tỷ USD, gần bằng 1/2 GDP hiện tại, nhưng bài toán tụt hậu vẫn chưa có lời giải.
Các chuyên gia WB (Ngân hàng thế giới) nhận xét “Việt Nam là nước không chịu phát triển”. Có nhiều nguyên nhân gây ra kết quả không mong muốn này nhưng “nút thắt” cổ chai đó là năng suất lao động thấp.
Năng suất lao động thấp
Năng suất lao động như là đôi cánh của nền kinh tế, nền kinh tế có bay cao, bay xa hay không là phụ thuộc vào đôi cánh này, thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại trong tình trạng thiếu vốn, hẹp thị trường và chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt nhưng chắc chắn sẽ chết dần chết mòn nếu năng suất lao động thấp.
Nhiều năm qua những con số thống kê về năng suất lao động của người Việt vẫn không mấy khả quan khi so sánh với các nước trong khu vực, điều này càng khó chấp nhận với một đất nước 92 triệu dân đang trong thời điểm dân số “vàng” (tạm hiểu là có số đông người trong độ tuổi lao động), có hơn 400 trường đại học, cao đẵng; 24.000 tiến sỹ; hơn 225.000 cử nhân, thạc sỹ đang… ngồi chơi xơi nước!
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần, là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, xấp xỉ Lào và chỉ cao hơn chút ít so với Myanmar và Campuchia.
“Tụt hậu”, “bị bỏ lại phía sau” là thực trạng không còn nằm trong vùng “nguy cơ” mà đã trở thành hiện thực vì giả định Việt Nam vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 – 2012 thì phải đến năm 2038 chúng ta mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
Chỉ đơn cử như Singgapore, quốc gia 5 triệu dân nhưng họ đã tạo ra khối lượng GDP 200 tỷ USD, trong khi dân số Việt Nam gấp hơn 18 lần họ nhưng cũng chỉ tạo ra khối lượng GDP tương đương, con số đủ để nói lên chúng ta đang bị bỏ lại xa so với khu vực và thế giới như thế nào.
Kinh tế Việt Nam từng có giai đoạn tăng trưởng nóng như những năm 2006 – 2009, điển hình như năm 2006 tốc độ tăng trưởng đạt 11.69%, năm 2008 đạt 8.64 % nhưng tốc độ tăng trưởng trong thời kỳ này không dựa trên năng suất lao động mà là dựa vào đồng vốn. Bởi vậy, mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng chỉ số ICOR (Hiệu suất sử dụng vốn đầu tư) rất thấp, ví dụ: những nước có chỉ số ICOR cao để tạo ra 1 đồng lãi họ chỉ đầu tư 0.5 đồng vốn nhưng đối với quốc gia có chỉ số ICOR thấp để tạo ra 1 đồng lãi đôi khi phải đầu tư 1, hoặc 2 đồng vốn.
Cái “quy trình” để năng suất lao động thấp kéo lùi sự phát triển diễn ra theo nguyên lý giản đơn là hao phí lao động xã hội kết tinh trong sản phẩm, nơi nào có hao phí lao động xã hội càng thấp thì càng có lợi thế cạnh tranh bằng cách làm giảm giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất mà vẫn có lãi để quay vòng tái đầu tư sản xuất. Điều này giải thích vì sao hàng Trung Quốc luôn rẻ hơn so với hàng Việt Nam, đơn giản vì năng suất lao động cao tạo ra khối lượng sản phẩm lớn nên hao phí lao động xã hội cần thiết để tạo ra sản phẩm được hạ xuống dẫn đến hạ giá thành sản phẩm.
Đâu là nguyên nhân?
Thực tế cho thấy ở nhiều doanh nghiệp, điều quan tâm nhất với họ là nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, làm giảm tối đa chi phí cần thiết để tăng lãi suất chứ ít khi chú trọng đến khâu tạo điều kiện để tái sản xuất sức lao động của người lao động, nhiều nhà tuyển dụng lấy tiêu chí giá cả sức lao động làm cơ sở.
Một nguyên nhân thường hay được đưa ra để biện minh cho câu hỏi vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp là do tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao, nhưng cần thấy rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều trường đại học và nhiều Tiến sỹ nhất thế giới, tỷ lệ sinh viên/dân thuộc tốp cao và hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn lực này. Có chăng điều này chỉ đúng với những doanh nghiệp trong khu vực nhà nước với lực lượng lao động được bao cấp biên chế tạo nên sức ì. Còn đối với doanh nghiệp FDI năng suất lao động không thua kém các nước trong khu vực.
Sự lạc hậu của công cụ lao động cũng là trở lực không nhỏ với yêu cầu tăng năng suất lao động, công cụ lao động ở đây chính là khoa học kỹ thuật, trong nền kinh tế tri thức thì yếu tố này đóng vai trò quyết định. Thực tế cho thấy chúng ta chưa làm chủ được nhiều công nghệ nên phải nhập khẩu và tất nhiên không quốc gia nào bán cho chúng ta công nghệ mới nhất của họ, đó là chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường và trở thành bãi rác công nghệ cho các nước phát triển.
Lao động Việt luôn được đánh giá là cần cù, thông minh sáng tạo nhưng thiếu tính kỷ luật, đó là do môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, mặc dù hội nhập đã 30 năm, hiện đang sống trong thời đại hậu công nghiệp nhưng tác phong công nghiệp là điều mà nhiều doanh nghiệp và người lao động Việt đang thiếu.
Năng suất lao động thấp là nguyên nhân của hầu hết vấn đề trong nền kinh tế bởi bản chất của nó là vấn đề chất lượng con người là hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm được tạo ra. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tụt lại xa hơn so với thế giới và doanh nghiệp Việt vẫn mãi “khôn nhà dại chợ”.
Không có lợi thế cạnh tranh đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc chơi trong chuỗi lợi ích toàn cầu, khi đó liệu tham gia TPP và làn sóng hội nhập có mang lại hiệu quả như mong muốn? chỉ khi nào tháo được “nút thắt” này thì mới hy vọng bắt kịp xu thế.
Trương Khắc Trà / DĐDN