Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2017: Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng nếu nhìn nhận lại sức khoẻ của doanh nghiệp tư nhân thì có nhiều điều đáng ngại, chỉ có khối FDI còn mạnh.
Dẫn ra báo cáo của đại học Fullbright trước đó, ông Đậu Anh Tuấn cho biết nền kinh tế Việt Nam đang có 4 động cơ, tuy nhiên, 3 động cơ đang trục trặc, chỉ có mỗi FDI là mạnh. Dù vậy, thời gian tới FDI có duy trì được hay không thì rất khó đoán định. Bởi lẽ, theo nhiều nghiên cứu, khảo sát, vốn FDI đổ vào Việt Nam là bởi các nhà đầu tư có chi phí rẻ.
“Trong tương lai, những điều này sẽ không còn nữa. Đất đai hết rồi, nhân công cũng không còn rẻ nữa, lại thêm câu chuyện TPP, liệu nguồn vốn FDI có còn đổ nhiều vào Việt Nam, trở thành 1 trong những động lực của Việt Nam nữa hay không”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông, bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động không hiệu quả.
Cụ thể, nếu như lao động bình quân 1 doanh nghiệp năm 2009 là hơn 40 người thì đến năm 2015 chỉ còn 26 người; Cũng theo khảo sát, 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế. Các chỉ số khác cũng đang rất đáng ngại, như là việc xuất khẩu dù tăng trưởng nhanh, nhưng xuất đi được 10 đồng thì 8 đồng thuộc khu vực có vốn nước ngoài, chỉ có 2 đồng thuộc doanh nghiệp nội, trong khi 4 năm trước tỷ lệ này là 50/50.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy năng suất của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm. Doanh nghiệp bé, không thể áp dụng được các ưu thế, do đó cứ loay hoay với bài toán phát triển…
“Chúng ta đang chú ý nhiều đến số lượng doanh nghiệp thành lập, 1 triệu doanh nghiệp là mục tiêu, nhưng phải là những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có chất lượng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng. Bởi hiện tại chính sách ban hành ra đang chỉ dành cho các ông lớn mà các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận.
“Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì sao có các doanh nghiệp lớn. Chưa kể các doanh nghiệp lớn vì không có ai cạnh tranh nên cũng không chịu đổi mới, phát triển”, ông Tuấn cho biết.
Dù vậy, không có nghĩa là doanh nghiệp lớn không gặp khó khăn. Trên thực tế, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều bất lợi về thủ tục hành chính. Bởi lẽ, doanh nghiệp càng lớn, thủ tục hành chính càng nhiều, càng hay bị kiểm tra, thanh tra.
Nói về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng nhiều doanh nghiệp không muốn lớn để khỏi phải phiền phức, một số khác thì tìm cách lách để không bị nhũng nhiễu mà làm ăn.
Theo Nam Dương
Trí thức trẻ