Ngôi chùa Khmer Monivongsa Bopharam được xây dựng từ năm 1964, tọa lạc giữa trung tâm Cà Mau như một nét duyên của thành phố cực Nam chào đón du khách.
Khuôn viên chùa rộng lớn với những tán cây thốt nốt vươn thẳng lên trời cao. Mái chính điện được cấu trúc thành nhiều tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau, tạo không gian cao vút. Đây chính là nét đặc trưng của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Bức tượng Phật khổng lồ nằm ngang trước chánh điện chùa Monivongsa Bopharam gây ấn tượng đặc biệt. Tư thế nằm của Đức Phật được thiết kế độc đáo, tay phải kê đầu nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thoát, toát lên sự ung dung tự tại.
Màu đỏ và vàng tươi là hai tông màu chủ đạo trong kiến trúc chùa. Hai màu tượng trưng cho sự may mắn, phước lành. Hai sắc màu nóng này phối hợp hài hòa trong tổng thể kiến trúc mang lại vẻ đẹp thu hút mọi ánh nhìn.
Tháp để cốt được xây cất trong khuôn viên chùa, quanh chính điện là nơi rất thiêng liêng thờ hài cốt tập thể.
Một tượng Phật được xây dựng trước ao sen trong khuôn viên chùa.
Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí bằng nhiều màu sắc, bằng các phù điêu bích họa độc đáo. Đặc biệt là các bích họa về câu chuyện cuộc đời của Đức Phật và trích từ trường ca cổ do nghệ nhân Danh Bên ở Cà Mau khắc họa.
Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục dành cho người Khmer sống quanh vùng. Trong chùa có trường dạy chữ Khmer, dạy Kinh..., là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay, các vốn văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Khmer.
Tượng Phật xuất hiện trong nhiều yếu tố điêu khắc. Với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao, ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi. Khi vào chùa, khách thăm viếng nhớ phải bỏ mũ nón, đi chân không để tỏ lòng tôn kính.
Cổng sau của chùa. Một ngôi chùa Khmer thường có một cổng chính điện và nhiều cổng phụ thể hiện tư tưởng rộng cửa đón chào bước chân người hành hương, du khách. Hàng năm lễ tắm Phật vào ngày 30/8 và 1/9 Âm lịch tại chùa Monivongsa Bopharam thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương đến tham quan.
Về chiều, từng đàn bồ câu sà xuống khuôn viên chùa kiếm thóc giữa không gian tĩnh mịch càng tôn lên sự yên bình của ngôi chùa ở vùng đất cực Nam tổ quốc. Ghé thăm chùa Khmer ở địa chỉ đường Lý Văn Lâm, khóm 3, phường 1, TP Cà Mau.
Theo Khánh Ly