Bức tranh doanh nghiệp kém sắc khi 1.200 doanh nghiệp trả lời khảo sát tác động của dịch Covid -19 Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
Các doanh nghiệp đang chủ động ứng phó với dịch Covid-19. Nguồn: Ban IV
Phần lớn trong số doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ, có quy mô dưới 100 lao động (chiếm 75%. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp du lịch chiếm 29%, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục chiếm 7%.
“Có thể tác động tức thì của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp này khiến các chủ doanh nghiệp tích cực tham gia khảo sát và đề xuất kiến nghị. Các doanh nghiệp này đang ở trong tính thế không có khách du lịch và không có học sinh đi học”, bà Phạm Ngọc Thủy, đại diện nhóm thực hiện khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho biết.
Tỷ lệ phản hồi của doanh nghiệp ngành dệt may và da giầy chiếm tỷ trọng cao nhất, là 32% trong nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trả lời khảo sát. Tiếp đó là tỷ lệ doanh nghiệp ngành Chế biến thực phẩm và đồ uống là 13%, ngành sản xuất giường tủ, bản, ghế là 11%. Đây cũng là những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, đồng thời có nguồn nguyên liệu hay thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khá lớn, nghĩa là chịu tác động trực tiếp.
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài 6 tháng, khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.
Qua khảo sát, những doanh nghiệp có doanh thu tăng là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước.
Thậm chí, có tới 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.
Cụ thể, xét trên một nhóm đặc thù là nhóm giáo dục, theo Kiến nghị thư của Tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3/2020, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.
“Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn”, bà Thủy phân tích.
Cho tới thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 2 tháng. Giải pháp trước mắt mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là việc cắt giảm lao động, gần 39% số doanh nghiệp được hỏi áp dụng biện pháp này. Điều này có thể giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, giúp doanh nghiệp cắt giảm phần nào chi phí lao động.
Nhưng việc này lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế là có thể có hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội. Bên cạnh đó, có gần 21% doanh nghiệp trả lời cho biết, họ đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất nhưng các doanh nghiệp cũng chia sẻ là rất khó để cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các nguồn cung thay thế lại không dễ dàng để tìm ra ngay.
Gần 4% số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ đã thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh, cũng gần 4% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.