Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm, đến năm 2035, Việt Nam sẽ bị tụt hậu rất xa so với các nước khác. Khoảng cách với nền kinh tế Thái Lan sẽ kéo dài tới 25 năm, thay vì 21 năm như hồi năm 2014.
Báo cáo Việt Nam 2035 vừa được công bố đã vẽ nên một bức tranh sáng màu của Việt Nam, với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Theo đó, đà tăng trưởng GDP bình quân đầu người duy trì liên tục với mức tối thiểu là 7%/năm, thu nhập bình quân người Việt sẽ đạt 22.000 USD/người/năm (tính theo sức mua tương đương – PPP năm 2011), tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002.
Đấy là kịch bản tốt nhất cho Việt Nam 20 năm sau.
Báo cáo Việt Nam 2035 còn vạch ra 3 kịch bản – 3 hướng đi khác. Cụ thể:
Kịch bản tốt thứ 2: Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, ở mức 6%/năm, GDP theo đầu người sẽ lên đến 18.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Malaysia năm 2010 (tính theo sức mua tương đương).
Kịch bản tốt thứ 3: Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Brazil năm 2014 hay Malaysia năm 2001, và đạt 18.000 USD vào năm 2040.
Cần lưu ý rằng: Mặc dù đánh giá tốc độ tăng trưởng ở kịch bản thứ 3 là khả thi hơn, các chuyên gia vẫn đánh giá là đây là kịch bản “tham vọng”.
Cuối cùng là kịch bản xấu nhất của Việt Nam: Tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm. Đến năm 2035, GDP theo đầu người của Việt Nam chỉ đạt 12.000 USD, gần bằng Thái Lan năm 2010.
Điều này có nghĩa là: Đến năm 2035, Việt Nam sẽ bị Thái Lan bỏ xa 25 năm. Trong khi đó, vào thời điểm 2014, chúng ta mới chỉ cách Thái Lan 21 năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cung cấp hồi giữa năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 ở mức 2.052 USD, ngang bằng với Thái Lan năm 1993.
Theo kịch bản bi đát nhất, đường đi của kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lùi xa các nước khác. Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035.
Trong 4 hướng đi trên, yếu tố nào sẽ quyết định hướng đi của Việt Nam?
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy năng suất lao động là nhân tố cơ bản”, các chuyên gia thực hiện báo cáo cho biết.
Các nhà kinh tế đều thống nhất rằng tuyệt đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (dù có tăng trưởng nhanh hay không) gần như hoàn toàn do năng suất bị đình trệ.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman đã tổng kết tầm quan trọng của năng suất đối với kinh tế học phát triển như sau: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả. Liệu một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống về lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người lao động của quốc gia đó”.
“Và chính ở đây, bức tranh Việt Nam trở nên kém sắc hồng”, báo cáo nhận định.
Báo cáo cho biết: Năng suất lao động đã và đang theo xu hướng giảm kể từ cuối thập kỷ 1990 trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng như lĩnh vực khai khoáng, tài chính và bất động sản.
(Theo Trí Thức Trẻ)