Xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập cho các doanh nghiệp Việt Nam.
1001 rủi ro xuất gạo tiểu ngạch
Buổi chiều oi nồng cuối tháng 4/2016, cách trạm biên phòng ở cột mốc 291 (xã Cao Má Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) một đoạn ngắn, gần chục chiếc xe tải lặc lè chở gạo vẫn nằm nối đuôi nhau im lìm. Bốc lên, dỡ xuống, đợi chờ gạo “đi” không theo một kế hoạch nào là “chuyện thường ngày” ở điểm này, kể từ khi tỉnh Hà Giang cho phép thí điểm xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Bữa cơm tối của nhóm chủ hàng xuất gạo đang ăn giữa chừng thì cơn mưa lớn sầm sập đổ xuống. Đang ngồi, các chủ hàng nhảy lên như phải bỏng, rút máy gọi quân: “Che chắn kỹ nhé! Nước vào mốc gạo thì chết!”, “Chèn lốp cẩn thận kẻo trôi xe! Núi có sạt không?”…
Ngồi thu lu góc bàn, bát cơm không buồn ăn là anh Phạm Văn Q. (Đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo tại TP. Cần Thơ). Q. lặn lội đường xa từ Cần Thơ ra để truy tìm Đinh Ngọc Thiện (SN 1981, tổ 2, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang), người tự nhận là con nuôi của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang để làm ăn với Q. Tin tưởng Thiện, Q. đã vận chuyển 101 tấn gạo lên TP. Hà Giang bán cho Thiện, để sau đó, Thiện xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Sau khi trả cho Q. một số tiền, Thiện mang hàng lên kho gần cột mốc 291, lừa người trông coi hàng về Hà Giang rồi bán hàng, lấy tiền trốn mất. Số tiền Q. đang bị Thiện chiếm giữ là gần 600 triệu đồng .
Lợi ích của xuất khẩu tiểu ngạch là thủ tục đơn giản, không cần hợp đồng bằng văn bản và không cần thanh toán qua ngân hàng, vì thế thích hợp với khối lượng trao đổi nhỏ, hoặc cần thời gian gấp. Lý do chính khiến rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân chọn hình thức buôn bán tiểu ngạch là do yêu cầu chất lượng từ thị trường Trung Quốc không cao, các thương nhân mua bán “dễ tính”.
Tuy nhiên, do việc mua bán trao tay, không có hợp đồng đảm bảo, nên rất dễ xảy ra chuyện bị “giật tiền”, quỵt nợ hoặc lừa đảo như trường hợp của anh Q. nêu trên.
Một yếu tố rủi ro khác nữa là bị “cấm biên”. Còn nhớ, cách đây đúng 1 năm, tháng 4/2015, Trung Quốc siết lại các lối mở trên tuyến biên giới, nên khoảng 30.000 tấn gạo Việt tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gây ách tắc giao thông và thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều chủ doanh nghiệp “khóc ròng” vì gạo mốc, hư hỏng và bị đầu nậu “bao biên” phía Trung Quốc ép giá, bán giá rẻ.
Vẫn phải “cố đấm ăn xôi”
Vậy tại sao hình thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro nhưng cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đều chấp nhận?
“Hạn ngạch nhập khẩu có hạn, nhiều thủ tục, chi phí cao, thời gian dài hơn xuất khẩu tiểu ngạch anh ạ!”, một thương nhân tiết lộ.
Theo chính sách của Trung Quốc, đối với mặt hàng gạo, Trung Quốc cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu. Nhập khẩu gạo trong hạn ngạch sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 1%. Khi vượt hạn ngạch, thuế nhập khẩu sẽ được điều chỉnh lên đến 65%. Nhập khẩu gạo không theo hình thức này sẽ bị coi là không chính thức và trái pháp luật. Tuy vậy, khi bình thường Trung Quốc thường thả lỏng việc nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thì các thương lái Trung Quốc thường chỉ mất chi phí “bôi trơn” 20-30 USD/tấn, thay vì nhập chính ngạch phải chịu phí 70-80 USD/tấn. Lợi nhuận lớn khiến nhiều thương nhân Trung Quốc tiến hành nhập khẩu gạo và doanh nghiệp Việt Nam cũng thuận thế cung cấp.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 4 triệu tấn trên tổng lượng xuất khẩu là 8,3 triệu tấn. Trong đó, 6,6 triệu tấn xuất khẩu chính ngạch và 1,7 triệu tấn theo đường tiểu ngạch.
Theo ông Năng, dự kiến trong năm 2016, lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng tương đương so với năm 2015. Tuy nhiên, việc mua bán gạo với thị trường Trung Quốc trong năm 2016 sẽ tiếp tục chịu nhiều rủi ro và khó khăn, nhất là trong khâu thanh toán cũng như việc Trung Quốc liên tục đóng/mở các cửa khẩu gây rối loạn thị trường.
Xuất khẩu gạo tiểu ngạch: cẩn trọng bao nhiêu... cũng thiếu
Trở lại câu chuyện của Hà Giang, hồi đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép xuất khẩu gạo qua một số khu vực mốc biên giới trên địa bàn như: mốc 219 (xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì); mốc 291 (xã Cao Má Pờ, huyện Quản Bạ); mốc 325 (xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ); mốc 258 xã Bạch Đích (huyện Yên Minh). Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho rằng, một số khu vực mốc ở biên giới mà địa phương này đề xuất được xuất khẩu gạo chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, trong khi đó UBND tỉnh Hà Giang chưa tiến hành các thủ tục mở cửa khẩu phụ, lối mở theo quy định. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP và Thông tư 44/2010/TT-BCT, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo do Bộ Công thương cấp và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, việc xuất khẩu gạo tại các cột mốc tại Hà Giang vẫn đang được tiến hành, bất chấp việc Tổng cục Hải quan không cho phép.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lùng Vài và ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang xác nhận, UBND tỉnh Hà Giang đang cho thử nghiệm xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Việc xuất khẩu gạo chưa ổn định do phía Trung Quốc cấm biên thất thường.
Có thể thấy, việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch tại Hà Giang nói chung và các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc nói riêng đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập. Bất lợi lớn của hình thức buôn bán tiểu ngạch là thiếu ổn định, không những thế, thiệt hại luôn dành cho phía các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, dù giá thu mua của các thương nhân Trung Quốc thường cao, nhưng phần lớn chỉ có hợp đồng miệng dẫn đến hiện tượng bị ép giá, mà không có cơ sở giải quyết khi có tranh chấp hoặc bị lừa đảo.
Hữu Tuấn / baodautu.vn