Khi cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tiến thêm một bước đến việc phải "cách ly xã hội", cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại cũng phải "gồng mình" để đẩy nhanh công bố các chương trình mới hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng.
Nhân viên ngân hàng "phòng vệ" trong mùa dịch. Nguồn: VPBank
Tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành trong bối cảnh chống dịch Covid-19 đang lên đến đỉnh điểm.
Ngoài những yêu cầu tăng cường giải pháp phòng, chống dịch, một nội dung quan trọng là cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai tích cực và sớm công bố các chương trình giảm lãi suất, sản phẩm hỗ trợ cho khách hàng của mình.
Ngân hàng thương mại đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong chiều nay, VPBank cho biết nâng mức giảm lãi suất cho vay, có thể giảm đến 2%, để hỗ trợ doanh nghiệp hiện hữu và khách hàng mới, với đối tượng là các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng có tài sản đảm bảo, hoặc tối đa giảm 2%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng không có tài sản đảm bảo. Điều kiện áp dụng được đưa ra chi tiết hơn so với gói hỗ trợ cách đây 2 tháng. Chẳng hạn như doanh thu xuất khẩu hoặc nhập khẩu nguyên liệu ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu phải tối thiểu đạt tỷ lệ 50%, và thêm một số tiêu chí về tình hình tài chính.
Đại diện VPBank cho biết gói mở rộng vừa được công bố nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong cuộc họp trực tuyến vào chiều 31-3. “Nhận định tình hình dịch bệnh sẽ còn có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ngân hàng sẽ đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đưa ra gói hỗ trợ mới dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, nhằm chung tay cùng người dân Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn chung”, đại diện VPBank cho biết.
Từ khi triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất 1,5%/năm vào đầu tháng 2, ngân hàng cho biết đã có nhiều khách hàng tiếp xúc được những gói hỗ trợ đầu tiên này.
Nằm trong nhóm ngân hàng sớm công bố chương trình hỗ trợ khách hàng lần này còn có VIB, mới đây cho biết tiếp tục giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm trong 6 tháng cho tất cả các khách hàng là hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Điều kiện là các khoản vay trung và dài hạn bằng tiền đồng (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%/năm.
Các hỗ trợ này có hiệu lực từ ngày 1-4, tức hôm nay. Theo ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỉ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ, VIB cho biết.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế VIB, ngân hàng sẽ thông báo đến khách hàng, tự động giảm lãi mà không cần doanh nghiệp phải viết đơn xin hỗ trợ hay có bất kỳ chứng minh về sự khó khăn nào khác. “Các chính sách hỗ trợ của chúng tôi chưa dừng lại ở đây”, ông Vũ cho biết thêm.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, VIB vẫn tiếp tục các khoản vay mới, bao gồm vay vốn ngắn hạn và vay vốn lưu động với mức giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm, với hơn 2.600 tỉ đồng dư nợ được áp dụng từ ngày 23-1.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV hay Vietinbank cũng đang có những bước tiến mới trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng để giảm thiểu thiệt hại vì Covid-19.
Chẳng hạn, Vietinbank mới đây cho biết đã ban hành quy định số 345 của ngân hàng hướng dẫn chi tiết hơn cho nội bộ ngân hàng để triển khai tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước, là khung pháp lý quan trọng cho các ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ, xử lý các khoản nợ có nguy cơ xấu đi bởi Covid-19.
Theo đó, các tiêu chí được đưa ra là khách hàng vì Covid-19 đình trệ, thu hẹp sản xuất kinh doanh, sụt giảm doanh thu, thu nhập/dòng tiền của khách hàng và không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay đã ký.
Các khoản nợ hiện hữu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đã được xác định. Thời hạn thực hiện cơ cấu nợ đối với nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của hoạt động cho vay trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, và thời gian gia hạn nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Các trường hợp được xem xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi bao gồm trường hợp số dư nợ còn hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày kể từ ngày đến hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay đã ký, hoặc trường hợp số dư nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến hết ngày 28-3.
Bên cạnh chương trình tái cơ cấu các khoản nợ hiện hữu, Vietinbank tiếp tục triển khai gói cho vay 30.000 tỉ đồng lãi suất giảm thêm 1,5%/năm với các khoản vay tiền đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, Vietcombank cũng sớm công bố đã có những quy định nội bộ để hỗ trợ cho các khách hàng chịu thiệt hại vì Covid-19. Thông tin của Vietcombank mới đây cũng cho biết tổng số dư nợ được hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đạt hơn 112.700 tỉ đồng. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến này là trên 8.200 tỉ đồng và còn tiếp tục xem xét.
Vào tháng 2 trước đó, rất nhiều ngân hàng thương mại chủ động công bố các gói cho vay ưu đãi, chẳng hạn như gói 10.000 tỉ đồng (lãi suất giảm 2%/năm) của Sacombank, hay gói 3.000 tỉ đồng của TPBank. Một số ngân hàng thì không công bố quy mô gói tín dụng mà cho biết sẽ rà soát lại tùy theo từng trường hợp riêng.
Giảm phí dịch vụ chuyển tiền
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử và phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra khoảng 2%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành.
Trong ngày 31-3, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 1-4). Qua đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN cũng khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NHNN đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2020.
Cũng trong chiều ngày 31-3, tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng tập trung triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới, khuyến khích giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa đối với những đối tượng, loại hình doanh nghiệp khó khăn, cần sự chia sẻ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất.
Ngày 4-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Điểm nhấn trong văn bản này là đưa ra thông tin về gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỉ đồng, dựa vào sự đăng ký của các ngân hàng thương mại. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, tạo khung pháp lý quan trọng cho các ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ, xử lý các khoản nợ có nguy cơ xấu đi bởi Covid-19. Đây được xem là phương án quan trọng trong thời điểm hiện nay bởi trên thực tế, khả năng hấp thụ vốn vay mới với các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi, do các doanh nghiệp hiện nay cần thanh khoản để "sống sót" hơn là cần vốn để mở rộng kinh doanh. Đến ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16 về thực hiện các các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, NHNN cũng đã có công điện số 3, chỉ đạo cụ thể các đơn vị thuộc hệ thống NHNN và các NHTM triển khai ngay việc bố trí cán bộ làm việc tại nhà và một bộ phận cần phải được duy trì làm việc tại cơ quan. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó. |