Thẻ tín dụng tiêu trước trả sau, những tưởng văn minh, tiện ích - nhưng không, nhiều khách hàng trước được ngân hàng mời chào, săn đón, sau đó lại bị móc túi một cách trắng trợn, phũ phàng.
Quá nhiều loại phí bủa vây khách hàng dùng thẻ
Choáng váng vì bị phạt oan
Có dịch vụ thì phải thu phí, ở nước ngoài cũng vậy, nhưng không đâu lại nhiều như VN. Một thẻ tín dụng mà có tới hàng chục loại phí thì người dùng không thể kham nổi được | |
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng | |
Liên tiếp thời gian gần đây, chúng tôi nhận được hàng loạt phàn nàn, bức xúc của khách hàng về thẻ tín dụng với dịch vụ quá tệ, lãi suất, phí quá cao. Chị Nguyễn Thúy A. (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã dùng thẻ Visa, Master của một số ngân hàng (NH), tuy nhiên lãi suất phạt hiện nay quá khủng khiếp. “Tôi có 1 lần không nộp tiền đúng hạn bị HSBC phạt lãi suất lên tới gần 25 - 26%/năm, trong khi lãi vay tiêu dùng thế chấp hiện nay chỉ 7 - 8%/năm, vay tín chấp hơn 10%/năm. Lãi như thế chẳng khác gì lãi chợ đen”, chị A. than thở.
Với khách hàng N.X.V (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), từ khi được TPBank cấp thẻ tín dụng visa hạng Classic, anh bắt đầu chuỗi ngày ác mộng với 3 lần liên tiếp bị “móc túi”. Lần thứ nhất vào tháng 10.2015, anh được NH báo dư nợ thẻ tín dụng dùng trong tháng là hơn 12 triệu đồng, hạn thanh toán cuối cùng vào ngày 25.10. Ngày 29.10, anh V. chuyển đủ số tiền trên vào tài khoản để trả nợ. Nhưng thay vì cắt nợ cho khách hàng, hệ thống của NH chỉ ghi nhận số tiền đã nộp và “treo” trên tài khoản không cắt.
Cứ đinh ninh mình đã thanh toán hết nợ, nhưng đến tháng tiếp theo, nhân viên TPBank liên tiếp gọi điện báo anh vẫn còn nợ hơn 12 triệu đồng, và đang bị phạt với lãi suất lên tới 24,6%/năm, tổng cộng số tiền gần 300.000 đồng. Anh V. gọi lại tổng đài thắc mắc thì nhân viên giải thích: “Anh chuyển tiền nhưng không gọi điện báo tổng đài để cắt nợ nên vẫn bị phạt, giờ nếu anh muốn em sẽ cắt số tiền anh đã nộp và từ lần sau anh cứ nạp tiền vào hệ thống sẽ tự động trừ tiền không báo nữa”.
Tới tháng 3.2016 TPBank báo anh V. đã tiêu gần 22 triệu đồng và hạn cuối phải thanh toán vào 25.3. Mỗi tháng anh V. chỉ trả nợ tối thiểu 1,5 - 2 triệu đồng do không đủ tiền. Với lãi phạt 24,6%/năm đến tháng 5.2016, dư nợ tăng lên hơn 23 triệu đồng. Quá xót ruột ngày 17.5, anh V. nộp hơn 23 triệu đồng để trả nợ. Nhưng một lần nữa, vẫn với lý do “khi nộp không báo tổng đài nên không được cắt tự động” và anh lại tiếp tục bị phạt lãi suất vì không thanh toán đúng hạn.
Quá chán nản, anh V. chấp nhận chịu phạt và báo tổng đài cắt hộ, yên tâm không còn nợ nần gì, anh cất thẻ vào tủ. Đùng một cái đến ngày 29.7, nhân viên thu hồi nợ của TPBank thông báo, anh còn dư nợ hơn 20.000 đồng trong tài khoản. Do không thanh toán đúng hạn nên bị phạt tối thiểu 110.000 đồng. “Giờ anh muốn cắt hết thì nộp 140.000 đồng để em cắt không mỗi tháng anh lại bị phạt tiếp đấy”, cô này lạnh lùng nói. “Tiền tôi nộp đủ, nhưng họ không cấn trừ nợ để đè tôi ra phạt lãi suất quá hạn...” - anh V. bức xúc.
Một trường hợp khác cũng bi kịch không kém, chị Hoa (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, NH cấp hạn mức thẻ tín dụng cho chị hơn 60 triệu đồng, nhưng khi xài tiền hệ thống vẫn chấp nhận thanh toán vượt hạn mức. Đến tháng sao kê hóa đơn chị lại thấy phát sinh thêm phí vượt hạn mức. Cũng chiêu trò này, có tháng chị tiêu xài vừa đúng hạn mức được cấp, tuy nhiên, tháng đó NH cộng phí thường niên lên thành ra cả số tiền bị vượt hạn mức rồi chị bị tính lãi suất phạt lên tới gần 30%/năm. “Như vậy khác gì NH cài bẫy để thu thêm tiền”, chị Hoa bức xúc.
Bắt chẹt khách hàng bằng phí
Lãi vay, lãi phạt cao quá mức Theo nguyên Thống đốc NH Nhà nước TS Cao Sĩ Kiêm, thẻ tín dụng ứng tiền cho tiêu trước không cần tài sản thế chấp nên lãi suất đương nhiên cao hơn cho vay thông thường. Nhưng lãi vay, lãi phạt lên tới mấy chục phần trăm là cao quá mức, bởi hiện tại với cho vay tiêu dùng hay kinh doanh lãi suất cũng chỉ ở mức 7 - 10%/năm. Nếu kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, chụp giật chắc chắn sẽ bị khách hàng tẩy chay. |
Thẻ tín dụng, tiêu trước trả sau là phương thức thanh toán hiện đại, văn minh, tiện ích. Tuy nhiên, các NH hiện nay thay vì chú trọng đầu tư gia tăng các dịch vụ phong phú, hấp dẫn lại chủ yếu ăn xổi ở thì, chạy theo lợi nhuận đưa ra vô số loại phí, lãi suất cao chót vót. Tại Eximbank, thẻ tín dụng quốc tế Visa/Master/JCB Debit gồm: phí rút tiền mặt 4%/số tiền giao dịch; phí trễ hạn 3%/số tiền thanh toán tối thiểu; phí sử dụng vượt hạn mức 15%/năm/số tiền vượt; lãi vay 24%/năm. Tại TPBank các mức phí còn “chát” hơn như: chậm thanh toán tính 4%/số tiền chậm; lãi suất phạt 24,6%/năm. Ngoài ra còn hàng chục loại phí khác như: phí dịch vụ phát hành 220.000 đồng, phí thay đổi hạn mức thẻ 110.000 đồng, phí tăng hạn mức thẻ tạm thời: 110.000 đồng, phí ứng tiền từ thẻ 2% số tiền chuyển đổi. Hay đơn cử, mỗi chiếc thẻ tín dụng Visa của BIDV khách cũng gánh khoảng 20 loại phí như: phí phát hành thẻ lại, phí cấp lại pin, phí duy trì thẻ, phí giao dịch vấn tin, phí tra soát khiếu nại, phí báo thẻ bị mất cắp, thất lạc hoặc khóa thẻ tạm thời, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch...
Nhận xét về tình trạng phí bủa vây người dùng, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc đưa ra các loại phí để NH sử dụng nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện máy móc trang thiết bị được tốt hơn nhằm phục vụ người dân. Nhưng hiện nay có quá nhiều các loại phí, và nhiều trường hợp phí bất thình lình khiến người dùng bức xúc.
Phân tích thêm trường hợp TPBank,luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế NH (Hiệp hội NH) cho biết, nếu như lần đầu tiên NH nói không cắt tự động phải báo miệng thì không nói làm gì, nhưng đến lần thứ ba mà vẫn không thực hiện đảm bảo quyền lợi khách hàng thì thực sự không ai hiểu nổi. “Một chủ, một tài khoản, một NH thì đương nhiên phải bù trừ tự động chứ không thể treo tiền một bên có, một bên nợ như vậy được. Làm thế khác gì cố tình ăn tiền của khách hàng”, luật sư Đức nói. “Phí thay mã pin, phí sao kê, phí duy trì, thay đổi hạn mức. Cái gì cũng phí từ bé đến to... Như vậy thì làm sao có thể nói là các NH đang cố gắng dùng thẻ thay thế phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Đức băn khoăn.
“Có dịch vụ thì phải thu phí, ở nước ngoài cũng vậy, nhưng không đâu lại nhiều như VN. Một thẻ tín dụng mà có tới hàng chục loại phí thì người dùng không thể kham nổi được. Theo tôi NH Nhà nước cần phải có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các loại phí thẻ. Chỗ nào bất hợp lý phải yêu cầu NH bỏ đi và đặc biệt phải có quy định ở mức nào đó và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, đề nghị.
Anh Vũ / thanhnien.vn