Các ngân hàng đang rục rịch công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm nay, với mẫu số chung có thể nhận thấy là tăng trưởng huy động vốn và tín dụng cao, tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với cùng kỳ. Phải chăng thời kỳ thật sự khó khăn của ngành ngân hàng đã qua đi?
Những ngân hàng nào bán nợ càng nhiều thì chi phí trích lập sẽ càng lớn, và phần chi phí trích lập này có thể ăn đứt lợi nhuận hoạt động trong năm. Ảnh: T.L
Kết quả kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm nay, với huy động vốn tăng trưởng 6,72%, dư nợ cho vay tăng trưởng 10,76% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm cao nhất trong bốn năm trở lại đây của ngân hàng này. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.193 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
VietinBank đạt kết quả nhỉnh hơn với lợi nhuận ước đạt 4.273 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng này thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, tương ứng là 7,7% và 9,6%. Mặc dù vậy các chỉ số sinh lời ROE và ROA của ngân hàng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, lần lượt ở mức 11,5% và 1,1%.
Một ngân hàng nhỏ khác là TPBank cũng sớm công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm nay. Từ sau khi được tái cấu trúc thì TPBank là một trong những ngân hàng công bố kết quả kinh doanh đều đặn và thuộc hàng sớm nhất trong hệ thống. Sáu tháng qua ngân hàng này đạt 205 tỉ đồng lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro, trong khi huy động vốn và dư nợ đều tăng trưởng mạnh so với đầu năm, tương ứng ở mức 18,4% và 18%.
Gần đây nhất ngân hàng VIB cũng vừa công bố dư nợ cho vay sáu tháng đầu năm tăng 7,4%, trong khi số dư tiền gửi tăng 7,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 393 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở Ngân hàng An Bình, tăng trưởng dư nợ là 12%, huy động vốn là 7%, ngược lại lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 104 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, do ngân hàng đã tăng mức trích dự phòng rủi ro tín dụng (316 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015).
Thách thức xử lý, thu hồi nợ xấu vẫn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới.
Dù chỉ mới một số ít các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh, tuy nhiên điểm chung dễ nhận thấy là các ngân hàng đều có hoạt động huy động vốn và tín dụng tăng trưởng cao, lợi nhuận cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Báo cáo tài chính sắp công bố của các ngân hàng còn lại có khả năng cũng sẽ như vậy khi trong sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành ở mức cao, với 8,23% và tín dụng toàn ngành tăng 6,82%.
Nguyên nhân giúp lợi nhuận được cải thiện
Lợi nhuận cải thiện do dư nợ tăng cao và áp lực trích lập chi phí dự phòng và thoái thu lãi dự thu giảm
Yếu tố đầu tiên dĩ nhiên là tốc độ tăng trưởng cao của dư nợ. Dư nợ tăng cao hơn sẽ giúp hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng cao hơn, do hoạt động cho vay mang lại biên lãi suất cao hơn nhiều so với các hoạt động khác như đầu tư trái phiếu chính phủ hay cho vay trên liên ngân hàng. Với một đồng cho vay ra, các ngân hàng có thể đảm bảo biên độ lãi suất (lãi suất đầu ra - lãi suất đầu vào) ở mức bình quân khoảng 4%, trong khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ chỉ ở mức 1,5-2% còn hoạt động kinh doanh trên liên ngân hàng trong bối cảnh hiện nay cao nhất chỉ khoảng 0,5%, thậm chí có lúc còn bị biên độ lãi suất âm.
Nếu như trong sáu tháng đầu năm 2015, tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng phần lớn đến từ hoạt động cơ cấu nợ. Nếu như Quyết định 780 hết hạn vào ngày 1-4-2015 đã thúc đẩy nhiều ngân hàng gấp rút cơ cấu các khoản vay quá hạn lâu năm thành các khoản vay mới trung, dài hạn, thì tăng trưởng dư nợ trong sáu tháng đầu năm nay có tính thực chất và bền vững hơn, do đó thu nhập mang lại cũng thực chất hơn.
Yếu tố thứ hai là áp lực trích lập chi phí dự phòng sáu tháng đầu năm nay của các ngân hàng có thể giảm bớt so với cùng kỳ năm 2015. Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đến 30-6-2015 phải bán được 75% số lượng nợ xấu cần bán và đến 30-9-2015 phải bán được hết 100%. Để bán được nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), các ngân hàng cần phải đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm và phải trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản vay trước khi bán.
Việc phải cấp tập bán nợ xấu theo đúng thời hạn đã buộc nhiều ngân hàng trích lập chi phí dự phòng khá lớn trong sáu tháng đầu năm 2015, trong khi sáu tháng đầu năm nay các ngân hàng không còn chịu nhiều áp lực phải bán nợ xấu cho VAMC. Ngoài ra, với giá trị nợ xấu đã tích cực xử lý và trích lập dự phòng trong những năm trước theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09, thì chi phí dự phòng cho sáu tháng đầu năm nay khả năng sẽ dễ thở hơn đối với các ngân hàng.
Ngoài ra, khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải chuyển đúng về nhóm nợ, đồng nghĩa với việc phải thoái thu các khoản lãi dự thu chưa thu được. Với các khoản vay được tái cơ cấu nhiều lần, các khoản lãi dự thu kéo dài năm này qua năm nọ mà thực chất không thu được, thì trong sáu tháng đầu năm 2015, các ngân hàng phải thoái thu một khoản lãi dự thu lớn chỉ trong một thời gian ngắn, do đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả lợi nhuận của năm 2015.
Xử lý, thu hồi nợ xấu sẽ tiếp tục là thách thức
Mặc dù kết quả lợi nhuận sáu tháng đầu năm nay có thể được cải thiện, nhưng những khó khăn của ngành ngân hàng chưa thật sự qua đi. Thách thức xử lý, thu hồi nợ xấu vẫn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới. Việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ đơn giản là “nhốt” nợ xấu lại một nơi, giúp làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Tuy nhiên, dù khoản nợ xấu này đã được đưa ra ngoại bảng và thay thế bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), thì các ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm trích lập chi phí dự phòng rủi ro cho TPĐB hàng năm. Những ngân hàng nào bán nợ càng nhiều thì chi phí trích lập sẽ càng lớn, và phần chi phí trích lập này có thể ăn đứt lợi nhuận hoạt động trong năm của TCTD. Đó chính là lý do mà NHNN đã phải ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được gia hạn kỳ hạn TPĐB từ năm năm lên 10 năm, nhằm giãn thời gian trích lập dự phòng, tránh trường hợp một TCTD có thể bị lỗ vì phải trích lập dự phòng cho TPĐB quá lớn.
Ngoài áp lực trích lập dự phòng, các ngân hàng còn phải chịu trách nhiệm thu hồi nợ xấu, bất chấp khoản nợ đã bán cho VAMC hay chưa. Với thị trường tài sản còn nhiều hạn chế và thiếu người mua, cơ chế thi hành án và bán đấu giá tài sản còn nhiều điểm nghẽn, thì việc xử lý tài sản bảo đảm hay xử lý nợ của các ngân hàng sẽ còn phải mất nhiều thời gian.
Thụy Lê / thesaigontimes.vn