Đã có ngân hàng cổ phần đầu tiên phủ kín chi nhánh tại tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước...
Các chi nhánh LienVietPostBank được cấp phép lập mới cũng thuộc các địa bàn nằm trong chủ trương Ngân hàng Nhà nước khuyến khích mở rộng, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, để tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân.
Ngân hàng Nhà nước vừa phê duyệt cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được mở mới loạt chi nhánh và phòng giao dịch, tập trung ở các địa bàn tỉnh xa.
Cụ thể, trong đợt cấp phép này, LienVietPostBank được mở thêm 7 chi nhánh tại 7 tỉnh (Phú Yên, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Sơn La và Bình Định), cùng 62 phòng giao dịch mới tại 22 tỉnh/thành phố.
Với loạt giấy phép vừa được cấp, LienVietPostBank sẽ trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên có mạng lưới chi nhánh phủ đến tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước.
Hiện nay, khối ngân hàng thương mại nhà nước với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có mạng lưới rộng khắp, phủ kín đến cấp huyện, xã.
Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều thành viên đã có từ 200-400 chi nhánh trên cả nước, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các địa bàn lớn, còn hạn chế ở các địa bàn tỉnh xa.
7 chi nhánh LienVietPostBank được cấp phép lập mới cũng thuộc các địa bàn nằm trong chủ trương Ngân hàng Nhà nước khuyến khích mở rộng, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, để tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân.
Còn theo quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước quy định, để lập một chi nhánh mới tại nội thành Hà Nội hoặc Tp.HCM, ngân hàng phải có vốn điều lệ (giá trị thực) đối ứng 300 tỷ đồng; ở các tỉnh thành khác là 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, để được mở chi nhánh mới, ngân hàng phải hoạt động có lãi, không vi phạm các tiêu chuẩn an toàn hoạt động, phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Trong thông cáo về sự kiện này, LienVietPostBank cho biết, kế hoạch phủ kín chi nhánh trên toàn quốc nhằm hai mục tiêu chính là quản lý hiệu quả hệ thống phòng giao dịch bưu điện tại các tỉnh thành và góp phần thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đáng chú ý, mạng lưới rộng khắp này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho LienVietPostBank kết hợp tốt việc chi trả bảo hiểm xã hội qua hệ thống điểm giao dịch bưu điện và các chi nhánh, phòng giao dịch của mình, kết hợp với cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô khác.
Trước đó, từ năm 2011, với việc sáp nhập Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện qua góp vốn của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), LienVietPostBank đã có được hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã trên cả nước.
Thành An / VnEconomy