Các ngân hàng có thể phải trích dự phòng cho nợ tái cơ cấu vì Covid-19 theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi.
Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Thông tư 01 sửa đổi để tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng (Thông tư 01 vừa hết hiệu lực cuối năm 2020) và đang chờ tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dự kiến Thông tư 01 sửa đổi sẽ trình Thủ tướng phê duyệt vào tuần sau.
Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.
Chia sẻ với VnExpress, bà Trịnh Phong Lan, Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đã có nhiều văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước tham gia ý kiến đối với Thông tư 01. Các công văn của Bộ Tài chính đều trên quan điểm, đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bằng cách cơ cấu, không chuyển nhóm nợ đối với khách hàng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, nội bộ tổ chức tín dụng vẫn phải phân loại nợ đúng bản chất, nhìn nhận đúng mức độ rủi ro để trích lập đầy đủ và có nguồn dự phòng. "Có nghĩa là người đi vay không bị chuyển nhóm nợ nhưng nội bộ tổ chức tín dụng phải phân loại nợ bình thường, đồng thời trích lập dự phòng đúng bản chất", bà Lan nói.
Bà Lan cho biết, trước đây Ngân hàng Nhà nước bảo vệ quan điểm không yêu cầu ngân hàng chuyển nhóm nợ, cũng không bắt buộc trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, mới đây theo văn bản gửi sang Bộ Tài chính lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu vì Covid-19.
Tuy nhiên, do lo ngại trích lập hết gây gánh nặng lên cho tổ chức tín dụng nên trong bản dự thảo Thông tư 01 mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đề nghị giãn thời gian trích lập dự phòng cho các ngân hàng trong 3 năm. Bộ Tài chính mới đây cũng đã có văn bản đồng ý với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, bà Lan cho biết.
Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.
Tại cuộc họp đầu năm với một nhà băng tại Hà Nội ngày 6/1, Phó Thống đốc cho biết tinh thần của Thông tư 01 sửa đổi phải đáp ứng hai yêu cầu là tiếp tục cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng và tránh rủi ro cho tương lai. Hai yêu cầu này có thể đối lập nhau nhưng Phó Thống đốc cho biết, tinh thần sửa đổi Thông tư 01 sẽ hài hoà giữa hai yếu tố này.
Theo đó, quy định bắt buộc trích lập dự phòng theo dự thảo Thông tư 01 có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 cao.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là "bộ đệm" giúp các ngân hàng chống chịu trước rủi ro không thu hồi được nợ với những khoản nợ xấu. Tuy nhiên, nếu phải trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị "bào mòn", đặc biệt ở các nhà băng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đang ở mức thấp.
Số liệu của Công ty chứng khoán Vietcombank cho biết, một số nhà băng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 tính đến hết tháng 9/2020 cao gồm VPBank (10,5%), TPBank (7,4%), Eximbank (6%), HDBank (4,5%), ACB (3,2%), Techcombank (3,07%)... Trong đó, VietinBank, VIB, Vietcombank là một trong số ít nhà băng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu dưới 1%.
Lãnh đạo của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, việc nợ cơ cấu theo Thông tư 01 chưa được trích dự phòng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng năm 2020 chưa được phản ánh thực chất. Theo lãnh đạo này, nợ cơ cấu gần như sẽ thành nợ xấu khi hết hạn cơ cấu, vì thế quan điểm cẩn trọng của nhà băng này là nên chủ động trích lập ngay từ đầu.