Sau giờ đi làm về, chị Thanh nhà quận 6, TP HCM bất ngờ khi có hai nhân viên của một ngân hàng lớn niềm nở đưa tờ rơi và mời vay vốn ngay tại cửa nhà.
Chị Thanh cho biết, chiều hôm qua, sau khi tan giờ làm vừa về tới nhà, chị thấy hai nhân viên của một ngân hàng lớn mặc đồng phục ghé lại trước cửa nở nụ cười tươi rồi đon đả đưa tờ rơi giới thiệu về chương trình cho vay của ngân hàng. Sau đó, nhân viên này nhẹ nhàng trình bày sơ về mình rồi chuyển nhanh sang mời chị vay vốn.
"Nội dung trong tờ rơi cũng khá hấp dẫn, ngân hàng cam kết cho vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng... với lãi suất ưu đãi 0,75% mỗi tháng. Đã vậy, người vay còn được miễn phạt khi trả nợ trước hạn", chị Thanh nói và cho biết dù ban đầu không có ý định vay nhưng giờ sẽ cân nhắc về việc vay này.
Mẫu tờ rơi được nhân viên ngân hàng tiếp thị tận nhà dân. Ảnh: LC
Thái độ đon đả khi tiếp thị chương trình cho vay vốn của các nhân viên cũng nhận được nhiều thiện chí của khách hàng. "Trước giờ tôi chỉ thấy nhân viên công ty tài chính đi tiếp thị vay chứ chưa bao giờ thấy cảnh nhân viên ngân hàng xuống phố tiếp thị từng nhà như thế này", anh Thanh, nhà quận Bình Tân chia sẻ.
Lý giải việc này, Thu Mai, chuyên viên khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM cho biết là do hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngày càng khó, khách hàng chủ yếu lo đáo hạn nợ cũ chứ phát sinh vay mới không nhiều. "Trong khi đó, chỉ tiêu doanh số của mỗi nhân viên thì cứ quý sau cao hơn quý trước nên chúng tôi không thể ngồi một chỗ chờ khách tìm đến, hay là chỉ đơn giản gọi điện, gửi mail nữa mà phải đến tận nơi gặp mới mong thuyết phục được khách vay", cô bộc bạch.
Mai cho biết, muốn gặp được khách hàng ở nhà thường là ngoài giờ hành chính nên buổi sáng cô tranh thủ đi làm sớm hơn và chạy đến từng nhà dân chào mời, còn buổi chiều thì ngoài 17h. "Sợ làm phiền và bị mắng nên tôi đã đợi những lúc khách ra khỏi nhà chuẩn bị đi làm hoặc là vừa về mới chạy tới chào hỏi và mời vay, nhưng nhiều lúc gặp người khó tính vẫn bị cằn nhằn", cô tâm sự.
Lãnh đạo nhiều nhà băng thừa nhận hiện nay rất khó đẩy tín dụng ra cho vay doanh nghiệp, bởi nợ xấu ngày một nhiều mà chưa có phương án giải quyết hiệu quả. Do đó, đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân được cho là phương án tối ưu để các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận và đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.
"Cho vay đối tượng khách hàng cá nhân, nhà băng vừa có thể thu được lãi suất cao hơn doanh nghiệp, lại vừa phân tán được rủi ro", lãnh đạo ngân hàng Sacombank chia sẻ.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 7 tháng đầu năm chưa thật sự khả quan. Báo cáo tài chính quý II/2016 của một số nhà băng cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm, thậm chí nhiều nhà băng - kể cả ngân hàng lớn - vẫn tăng trưởng âm.
Chẳng hạn, tín dụng của Eximbank tăng trưởng âm 4,62% trong 2 quý đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank cũng giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm, hiện nhà băng này chưa công bố báo cáo tài chính quý II.
Hay như tại VPBank, tuy dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng dương, song so với cùng kỳ năm trước, tín dụng của VPBank 6 tháng đầu năm đã có sự chậm lại, khi tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ đạt 1,7%.
Ngoài ra, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cũng cho rằng, kinh doanh ngân hàng hiện giờ đã khác trước, tức không thể thụ động chờ khách tìm đến mà phải chủ động tiếp cận và phục vụ khách hàng.
Như tại ACB, Tổng giám đốc Đỗ minh Toàn cho biết, dù 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của ngân hàng này nhìn chung khá khả quan khi tín dụng tăng 16%, nhưng nhà băng vẫn tiếp tục đưa ra nhiều chính sách linh hoạt để có thể bám sát kế hoạch đã đề ra cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn.
Lệ Chi / VnExpress