Cổ phiếu ngân hàng dồn dập tăng mạnh trong những phiên gần đây, qua đó giúp thị trường chứng khoán liên tục chinh phục các nấc cao mới.
Ngày đầu năm mới, các ngân hàng liên tiếp báo con số lợi nhuận lớn. Đặc biệt, các ông lớn ghi nhận lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ. Điều này là động lực thúc đẩy cổ phiếu các nhà 'bank' vào 1 đợt sóng mới.
Mấy phiên gần đây, cổ phiếu VietinBank luôn dư mua lớn ở mức giá trần. Sức cầu tăng mạnh đối với cổ phiếu này trong bối cảnh VietinBank báo cáo ước tính kết quả kinh doanh 2020 tích cực.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 16,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Dư nợ tín dụng hợp nhất của ngân hàng tăng 7,7% so với năm 2019, nguồn vốn huy động tăng 11%. Năm 2020, ngân hàng cũng đã cắt giảm lợi nhuận 5.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong 2020, VietinBank ghi nhận thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019. Tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng ở mức khoảng 130%, cao hơn năm 2019.
VietinBank đã hoàn thành mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đáp ứng mức vốn tự có của Ngân hàng theo chuẩn mực Basel II. VietinBank cũng mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong chưa đầy 2 năm (từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2020) thay vì 5 năm theo dự kiến.
Năm 2021, CTG dự kiến tổng tài sản tăng 3-6%, tín dụng tăng trưởng 8-11%, nguồn vốn huy động tăng 10-12%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10-20% trong năm 2021. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
Trong phiên giao dịch 6/1, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm ngân hàng ngay đầu phiên, giúp hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Techcombank (TCB), VPBank (VPB), ACB, TPB… Trong đó, VietinBank và Vietcombank tăng kịch trần.
Chốt phiên, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank tăng trần thêm 2.450 đồng (+6,9%) lên 37.850 đồng/cp. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 5.700 đồng lên 105.000 đồng/cp.
Techcombank (TCB) tăng giá và đã lên 33.200 đồng/cp. Các cổ phiếu như ACB, BID, MBB, STB, VPB, HDB…cũng đồng loạt tăng mạnh.
Trên thị trường, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 2020.
Kết thúc 2020, tổng tài sản của TPBank đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
SeABank của nhà bà Nguyễn Thị Nga hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 12,088 nghìn tỷ đồng và được chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu trên HOSE. Vốn điều lệ mới sẽ giúp SeABank tăng năng lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ước tính kết thúc năm 2020 tổng tài sản tăng 13% so với 2019, đạt mức trên 178 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.
Theo đại diện MSB, tổng thu nhập thuần của hoạt động kinh doanh đã tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi ròng ghi nhận kết quả 4.705 tỷ, (tăng 57% so với năm trước), cùng với đó việc trcơ cấu nguồn vốn hiệu quả, tập trung tăng trưởng quy mô ở các hạng mục tài sản sinh lời cao và quản lý tốt nợ xấu đã mang lại hiệu quả cao.
Cùng với sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng, TTCK tăng khá mạnh và được dự báo sẽ tăng tiếp.
Còn theo SSI Reserach, kỳ vọng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2021. Tăng trưởng tín dụng năm 2021 được kỳ vọng trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11% -12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
Theo kịch bản cơ sở, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản xuống 0,17% do BID, CTG, HDB, LPB và MSB đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 (từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015).