Tranh thủ quý cuối năm nhu cầu vốn của khách hàng gia tăng, các ngân hàng đang chạy đua tung gói tín dụng ưu đãi, thu hút người vay, song lãi suất chỉ ưu đãi ngắn hạn.
Dự báo, tăng trưởng tín dụng quý IV này sẽ đột biến
Ngày 10/10 tới, tại TP. HCM sẽ có buổi kết nối và ký kết hợp đồng tín dụng giữa Vietinbank và các doanh nghiệp trên địa bàn, cho vay đến 32.871,5 tỷ đồng, phục vụ mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết, đây là thời điểm tốt để Ngân hàng cung ứng vốn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo ông Dũng, với gói tín dụng trên, lãi suất Vietinbank cho vay ở mức thấp hơn khoảng 0,5 - 1%/năm so với mặt bằng thị trường hiện nay.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã giải ngân được 160.000 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm, tổng dư nợ tín dụng giải ngân cho riêng chương trình này lên đến 250.000 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu dành cho sản xuất - kinh doanh, lãi suất trong khoảng 7 - 8%/năm.
NHNN cũng cho hay, tính đến hết quý II/2016, đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới... Theo đó, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (217.000 tỷ đồng). Lãi suất cho vay mới phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và dao động từ 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1%/năm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh phục vụ thị trường trong mùa cao điểm cuối năm cũng như nhu cầu về vốn tiêu dùng của cá nhân đang tăng, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, với mục đích khơi thông dòng chảy tín dụng, đem nguồn vốn giá rẻ đến tay người cần vốn và tranh thủ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong mùa kinh doanh lớn của khách hàng.
Chẳng hạn, tại DongA Bank, dù vẫn trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, song nhà băng này đã được NHNN tạo điều kiện cho mọi hoạt động trở lại bình thường, trong đó có việc cấp tín dụng. Với định hướng này, DongA Bank đã đưa ra nhiều gói tín dụng với các chương trình ưu đãi lãi suất, nâng hạn mức vốn, kéo dài thời gian trả nợ để thu hút khách hàng vay vốn mua bất động sản, sửa chữa nhà, mua xe ô tô kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đi lại, phục vụ nhu cầu vay tiêu dùng. Đặc biệt, DongA Bank không giới hạn số tiền vay mà đáp ứng tối đa nhu cầu vay của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongA Bank, Ngân hàng tìm những đơn vị quy mô nhỏ sản xuất - kinh doanh ổn định để cho vay vốn.
“Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đang được DongA Bank áp dụng cố định 7%/năm, nhưng doanh nghiệp, bà con tiểu thương sản xuất - kinh doanh ổn định, chúng tôi có thể cho vay thấp hơn mức này”, ông Tùng nói.
Eximbank dành 10.000 tỷ đồng cho chương trình “Tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu” thuộc các lĩnh vực: giày da, dệt may, cao su, cà phê, tiêu, gạo, nông sản, thuỷ hải sản... Lãi suất vay ngắn hạn từ 6%/năm. Tuy nhiên, Eximbank cho vay thời hạn không quá 6 tháng, đồng thời doanh thu báo cáo tài chính năm gần nhất của doanh nghiệp tối thiểu phải đạt 100 tỷ đồng.
Tại Viet Capital Bank, Ngân hàng cho vay lên đến 12 tháng. Khách hàng được linh hoạt trong việc chọn phương thức trả vốn (hàng tháng hoặc cuối kỳ); số tiền được vay tối đa 100% phương án, nhưng không vượt quá tỷ lệ cho vay, giá trị tài sản đảm bảo.
HDBank có gói “Vay tiền Phát lộc” với tổng hạn mức 6.000 tỷ đồng. Theo đó, với số tiền vay từ 1 tỷ đồng trở lên, tùy thời hạn và mục đích vay vốn, lãi suất là 7%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Mặc dù tăng tốc cung vốn nhưng các ngân hàng cũng không thể giảm thêm lãi suất vì biên độ lợi nhuận (NIM) hiện đã rất thấp, chỉ khoảng 2%. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công chứ không thể kỳ vọng giảm thêm. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho rằng, trên thực tế, có một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng với thời hạn cụ thể.
“Gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”, Phó thống đốc cho hay.
Thùy Vinh (Tinnhanhchungkhoan.vn)